Lượng phương tiện qua tuyến cao tốc do VEC quản lý tăng 8,5%

12:31' - 02/04/2021
BNEWS 3 tháng đầu năm, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phục vụ 12,7 triệu lượt phương tiện, tăng khoảng 8,5% về lượng và 10,4% về doanh thu so cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thông tin về kết quả khai thác vận hành, đảm bảo an toàn giao thông 3 tháng đầu năm của 4 tuyến cao tốc  gồm: Cầu Giẽ  - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh -Long Thành – Dầu Giây do VEC quản lý.

Theo đó, 3 tháng đầu năm, VEC đã phục vụ 12,7 triệu lượt phương tiện, tăng khoảng 8,5% về lượng và 10,4% về doanh thu so cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đạt 4.650.000 lượt phương tiện, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tuyến Nội Bài – Lào Cai đạt 3.280.000 lượt, tăng 14,9%. Tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi đạt 553.000 lượt, tăng  5% và tuyến Tp. Hồ Chí Minh -Long Thành – Dầu Giây đạt 4.250.000 lượt, tăng 5,6%.

Cũng theo đại diện VEC, quý I/2021, VEC đã kiểm soát tải trọng 461.000 lượt phương tiện trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Qua đó, phát hiện và từ chối phục vụ theo thẩm quyền 14.300 lượt phương tiện quá tải.

Hiện tại, lực lượng chức năng đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát kiểm soát toàn bộ tình hình giao thông trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Tất cả các vi phạm của tài xế đều được phát hiện, thông báo đến thiết bị cầm tay của Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường để xử lý. Những “mắt thần” này đã giúp lực lượng chức năng xử lý vi phạm minh bạch, khoa học hơn.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2021, trên 4 tuyến cao tốc VEC quản lý xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông và 71 vụ va chạm, làm 3 người chết và 15 người bị thương. Nếu so với quý I năm 2020, số vụ tai nạn giảm 6%, số người chết tăng 1 người và số người bị thương không thay đổi.

Về quản lý, vận hành khai thác các tuyến cao tốc VEC tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi mà tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng người dân cắt phá hàng rào, hộ lan tôn sóng, lập lán trại, làm đường đi, chăn thả gia súc; mở hàng quán kinh doanh ngay sát hành lang an toàn đường bộ bất chấp nỗ lực của đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, khi các hàng quán này được mở ra, phương tiện thường xuyên dừng đỗ trên đường cao tốc để vào hàng quán, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc.

Bên cạnh đó, tình trạng xe máy, đi bộ vào đường cao tốc; ôtô dừng đỗ, đón, trả khách dọc đường cao tốc chưa thể khắc phục triệt để do VEC và các đơn vị quản lý khai thác là doanh nghiệp, không có chức năng xử lý các vi phạm nên việc giải quyết các tồn tại này còn hạn chế.

Trước tình hình trên, VEC đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho phép bổ sung điều khoản cho phép chủ dự án/nhà đầu tư được phép từ chối phục vụ những phương tiện/chủ phương tiện cố tình vi phạm quy định khi lưu thông trên đường cao tốc (dừng đỗ, bắt khách, gian lận cước phí...) vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Và mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý chấp thuận về nguyên tắc chủ trương và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chính quyền các địa phương có đường cao tốc đi qua, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường cao tốc sẽ giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường cao tốc. 

Về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện nay Tổng công ty đang tiến hành khảo sát hạ tầng hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại các tuyến cao tốc.

Từ đó, nâng cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống; tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn, trình các cơ quan liên quan phê duyệt phương án đầu tư hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Trước mắt, Tổng công ty đang phối hợp triển khai nghiên cứu giải pháp thu phí không dùng tiền mặt tại các làn thu phí thủ công một dừng (MTC)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục