Luồng sinh khí mới ở vùng hạn Ayun, Gia Lai

08:28' - 23/11/2021
BNEWS Công trình thủy lợi Pleikeo đưa vào vận hành đã mang nước về với vùng hạn Ayun, mang một luồng sinh khí mới cho hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số nơi đây.

Trước đây, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai quanh năm nắng gắt, đến mùa khô, hạn hán xảy ra liên tục khiến đời sống người dân nơi đây luôn trong cảnh khó khăn vì không thể trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất do thiếu nguồn nước tưới.

Trước bao sự trông ngóng của bà con, đầu năm 2020, công trình thủy lợi Pleikeo đưa vào vận hành đã mang nước về với vùng hạn Ayun, mang một luồng sinh khí mới cho hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số nơi đây.
Có nước, bà con Ayun phấn khởi làm lúa hai vụ, không còn cảnh nông nhàn, thu nhập bình quân đầu người tăng vọt trước sự ngỡ ngàng của nhiều địa phương vì vốn dĩ trước đây, Ayun là vùng đặc biệt khó khăn của cả nước.

Công trình thủy lợi Pleikeo đã không uổng công ngóng chờ của bà con người dân tộc Jrai, Bahnar chung sống tại xã Ayun, nước về làm đời sống người dân Ayun thực sự thay đổi.

Đặc biệt hơn, Pleikeo là một trong những công trình được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm, chỉ đạo tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng nhằm giúp bà con xã Ayun anh hùng có động lực lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Vừa gặt những bó lúa trĩu hạt trên diện tích 5 sào của gia đình, ông Đinh Hóa, làng Keo, xã Ayun, phấn khởi cho hay, trước đây chưa có thủy lợi thì đến mùa giáp hạt các hộ dân trong làng đều bị đói vì lúa làm một vụ không đủ ăn. Gặt xong vụ lúa, người dân cũng không biết nuôi trồng gì vì không có nước.

Năm 2020, bà con dân làng vui mừng vì có kênh mương thủy lợi Pleikeo đã dẫn nước vào cánh đồng. Bây giờ bà con ai cũng làm lúa vụ hai,  không còn cảnh đói giáp hạt mà còn có dôi dư để bán, kinh tế gia đình ai cũng khấm khá hơn.
Về Ayun mùa này, chúng tôi cảm nhận mãnh đất anh hùng đang ngày một thay đổi, trở mình vươn lên. Những vùng đất khô hạn, bỏ hoang trước đây đã được thay thế bằng những đồng lúa vàng óng ả.

Mùi lúa mới, mùi của sự sung túc được thể hiện qua ánh mắt, giọng cười giòn giã của từng tốp người dân quây quần gặt lúa dưới ruộng.

Những ngày đổi công gặt, tiếng í ới gọi nhau hòa thuận, đoàn kết của cả hai dân tộc Jrai và Bahnar cùng chung sống bên mái nhà Rông Tây Nguyên hùng vĩ cho thấy người dân nơi đây đã có một cuộc sống chan hòa, sung túc hơn.
Có nước tưới chủ động từ thủy lợi Pleikeo, những bông lúa nặng hạt hơn, năng suất cao hơn so với những năm trước đây. Bà con Ayun lấy đó làm động lực chăm bón, phát triển thêm diện tích lúa, hoa màu của gia đình. Không chỉ người dân vui mừng, mà phía ngành chuyên môn cũng có những phấn khởi nhất định.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, đánh giá, nhờ có công trình thủy lợi nên nhân dân chủ động được nguồn nước nên năng suất, sản lượng đạt cao hơn các cái năm trước.

Cụ thể, vụ Đông xuân 2020-2021, năng suất đạt 7 tạ/sào và hạt lúa chắc hơn. Từ nguồn nước tưới của thủy lợi Pleikeo, bà con Ayun chủ động gieo trồng lúa vụ 2 năm 2021, được ngành nông nghiệp huyện Chư Sê động viên, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất 6,5 tạ/sào.
Trong thời gian tới, các đơn vị chuyên môn sẽ vận động, hướng dẫn nhân dân tiếp tục phát huy hết năng lực tưới của thủy lợi, kênh mương dẫn nước tới đâu sẽ tổ chức sản xuất tới đó, không để lãng phí.

Đồng thời, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và canh tác của địa phương để tăng hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.
Ayun là vùng căn cứ cách mạng, là xã anh hùng trong kháng chiến với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 97%. Trước năm 2016, do canh tác lạc hậu và chịu khô hạn quanh năm, không thể phát triển sản xuất nên Ayun vẫn là một trong những xã nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo trên 84%.

Trong những năm qua từ nhiều nguồn hỗ trợ của các cấp từ trung ương đến địa phương, huyện Chư Sê đã tập trung đầu tư một số dự án để giúp cho bà con Ayun phát triển sản xuất, ổn định đời sống và giảm nghèo; trong đó, quan trọng nhất là công trình thủy lợi Pleikeo với năng lực thiết kế tưới cho 500 ha cây trồng.

 Xây dựng từ năm 2018 đến đầu năm 2020 công trình thủy lợi đã hoàn thành giai đoạn 1 và đã dẫn nước về tưới cho hơn 200 ha cây trồng của xã Ayun. Nhờ có thủy lợi Pleikeo, bà con Ayun đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, đã biết làm lúa nước vụ hai nên đời sống có bước thay đổi tích cực.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, từ nhiều phương án đầu tư, hỗ trợ người dân hiệu quả mà đến cuối năm 2021, xã Ayun chỉ còn 122 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,8%, thu nhập bình quân đầu người là 36 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ phát triển lúa hai vụ, từ khi có nước tưới, người dân Ayun đã phát triển đàn gia súc, gia cầm, đồng thời, phát triển một số giống cây dược liệu phù hợp với khí hậu địa phương như cây bạc hà, đinh lăng... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư huyện ủy Chư Sê cho biết, theo đà phát triển này, huyện chư Sê đã xây dựng kế hoạch, tập trung một số nguồn lực đưa xã Ayun về đích nông thôn mới vào năm 2023 để cùng toàn huyện hoàn thiện kế hoạch về đích nông thôn mới.

Riêng dự án thủy lợi Pleikeo, tỉnh Gia Lai đã bố trí nguồn vốn trung hạn đầu tư tiếp giai đoạn 2, dự kiến là bắt đầu từ năm 2023 sẽ triển khai, mở rộng thêm 300 ha vùng tưới còn lại.

Nhân dân Ayun và huyện Chư Sê rất mong muốn được đầu tư hoàn chỉnh công trình thủy lợi này để giúp nhân dân tiếp tục khai thác hết tiềm năng diện tích đất của địa phương, qua đó, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của vùng đất Ayun anh hùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục