Lý do khiến Apple muốn đổi mới tổ chức sản xuất công nghiệp

06:30' - 04/06/2022
BNEWS "Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ Apple đang khuyến khích các nhà thầu phụ của mình tăng khối lượng sản xuất của họ ở Ấn Độ và Việt Nam.

 

Nhật báo Les Echos cho biết, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ Apple đang khuyến khích các nhà thầu phụ của mình tăng khối lượng sản xuất của họ ở Ấn Độ và Việt Nam. 

Chính sách "Không COVID-19" của Bắc Kinh đang thúc đẩy Apple xem xét lại việc tổ chức sản xuất công nghiệp của mình. Nhà sản xuất iPhone đã yêu cầu một số nhà thầu phụ của họ tăng cường việc sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ và Việt Nam, nơi các sản phẩm của Apple đang được lắp ráp, nằm trong số các quốc gia được nhắm đến. 

Tháng trước, nhóm của Giám đốc điều hành Tim Cook đã dự báo rằng Apple có thể sẽ gặp vấn đề về nguồn cung ngày càng nghiêm trọng trong những tuần tới, do các quy định cách ly y tế liên quan đến sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc. 

Hiện nay, hơn 90% sản phẩm thương hiệu Apple được sản xuất ở Trung Quốc bởi các nhà thầu phụ như Wistron của Đài Loan (Trung Quốc), Pegatron hoặc Foxconn. Chiến lược sản xuất công nghiệp này đã trở thành nguồn gốc của sự mong manh khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi các quy định phong tỏa ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Theo số liệu chính thức, 161 công ty Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, đã phải dừng sản xuất ở Thượng Hải và Côn Sơn vào tháng trước, trong đó, có nhiều công ty làm việc cho Apple. Thương hiệu "trái táo khuyết" đang làm việc với 31 nhà cung cấp có trụ sở tại Thượng Hải và 79 nhà cung cấp tại tỉnh Giang Tô (nơi có địa danh Côn Sơn), theo tài liệu của công ty. 

"Cú hãm phanh" về doanh số 

Các bất cập đang ngày càng gia tăng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, bối cảnh địa chính trị căng thẳng, thiếu linh kiện điện tử, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt… Tháng trước, Apple ước tính doanh số bán hàng theo quý của họ có thể bị sụt giảm tới 8 tỷ USD do những nguyên nhân này. 

Thực ra, Apple đã bắt đầu tính đến việc đổi mới tổ chức sản xuất công nghiệp từ vài năm trước, nhưng việc triển khai dự án này đã bị chậm lại do đại dịch COVID-19. Hiện tại, việc khởi động lại quá trình đổi mới được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách khi mà các nước phương Tây hầu hết đã thoát ra khỏi đại dịch, còn Trung Quốc thì đang tăng cường các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Ấn Độ sản xuất 3,1% sản phẩm của Apple 

Đầu tháng Tư, Foxconn đã bắt đầu sản xuất iPhone 13 của Apple tại nhà máy ở Tamil Nadu, Ấn Độ. Đây là mẫu điện thoại thứ 4 được lắp ráp tại đất nước này kể từ iPhone SE vào năm 2017. Năm ngoái, những chiếc iphone "Made in Ấn Độ" chiếm 3,1% tổng sản phẩm Apple được sản xuất trên toàn thế giới. Tỷ trọng này có thể tăng lên 6 hoặc 7% trong tương lai. 

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã hạn chế khả năng điều động của Apple. Công ty của Tim Cook không thể vượt quá xa giới hạn này, khi mà Trung Quốc đang chiếm khoảng 20% doanh số bán hàng của họ. Do đó, sự lựa chọn khác sẽ là các nước Đông Nam Á như Việt Nam. 

Với việc được xem xét kỹ lưỡng, sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Apple có khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty phương Tây có mặt tại Trung Quốc, những đối tượng cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường lạm phát chi phí nguyên liệu thô, tình trạng thiếu chip và tăng thời gian giao hàng. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Apple sẽ còn kéo dài và phức tạp không chỉ do mật độ mạng lưới các nhà thầu phụ địa phương mà còn bởi quy mô đầu tư cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục