Lý do Nhật Bản chậm trễ trong việc phát triển vaccine COVID-19

18:36' - 11/01/2021
BNEWS Báo Asahi mới đây có bài viết đánh giá về việc các công ty của Nhật Bản chậm trễ trong cuộc đua nghiên cứu phát triển vaccine phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 do công ty Pfizer của Mỹ sản xuất vào cuối tháng 2/2021. 

Trong lĩnh vực phát triển vaccine COVID-19, các công ty nước ngoài như Moderna ở Mỹ và AstraZeneca ở Anh đang dẫn đầu, trong khi các công ty Nhật Bản bị bỏ lại phía sau. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển vaccineCOVID-19, song thời điểm để vaccine bước vào giai đoạn sản xuất vẫn chưa được xác định. 

Công ty dược phẩm Shionogi của Nhật Bản chủ trương xây dựng hệ thống sản xuất vaccine COVID-19 cho 30 triệu người trước cuối năm 2021 và đã ủy thác đầu tư xây dựng cho nhà máy dược của công ty Unigen tại tỉnh Gifu vào tháng 8/2020. 

Mục tiêu của Shionogi là hoàn thành xây dựng vào đầu năm 2021, sau đó tăng cường nhân viên và thúc đẩy quá trình phát triển, sản xuất. Tháng 12/2020, công ty Shionogi đã thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trên quy mô 200 người. Đại diện công ty cho biết sẽ thảo luận về cấu trúc, quy mô sản xuất trong giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm lâm sàng. Việc tiến hành đồng thời nghiên cứu phát triển và xây dựng hệ thống sản xuất là không phù hợp. 

Công ty đi đầu trong việc phát triển vaccine COVID-19 tại Nhật Bản là Anges. Công ty này đã hợp tác với một số trường đại học như đại học Osaka và hiện có kế hoạch thử nghiệm vaccine COVID-19 trên quy mô 500 người trước tháng 3/2021, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng dự kiến được tiến hành ở nước ngoài với quy mô hàng nghìn người. 

Có thể thấy, đến thời điểm này, tại Nhật Bản chỉ có hai công ty bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 là Shionogi và Anges, và hiện cả hai công ty này đều chưa công bố thời điểm chính thức thương mại hóa. 

Ngoài ra có thể kể đến công ty Daiichi Sankyo hiện đồng nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 với Đại học Tokyo. Hiệu quả ban đầu của vaccine COVID-19 đã được xác nhận trong một thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất vào tháng 3/2021. 

Công ty KM Biologics cũng thông qua Trung tâm nghiên cứu các liệu pháp điều trị hóa học và huyết thanh để đặt mục tiêu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 1/2021, trong khi công ty ID Pharma đặt mục tiêu thử nghiệm sớm nhất trong tháng 3/2021. 

Trong dự toán ngân sách bổ sung lần thứ ba trong năm tài khóa 2020, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ ít nhất 300 tỷ yen (2,9 tỷ USD), bao gồm 60 tỷ yen cho nghiên cứu và phát triển và 257,7 tỷ yen để cải thiện hệ thống sản xuất vaccine ngừa COVID-19. 

Ngoài lý do mang tính kỹ thuật, nguyên nhân chậm trễ trong việc nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 của các công ty Nhật Bản được cho là do ngành công nghiệp vaccine nội địa Nhật Bản vốn đã trì trệ trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. 

Theo Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, quy mô thị trường vaccine nội địa Nhật Bản vào khoảng 140 tỷ yen, chỉ chiếm khoảng hơn 1% trong tổng quy mô thị trường phẩm thuốc tại Nhật và hơn một nửa trong số đó lại là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. 

Thông thường, việc phát triển vaccine sẽ mất nhiều năm từ khi nghiên cứu đến khi thương mại hóa, và thậm chí mất nhiều năm nữa trước khi được chọn trong danh mục tiêm chủng định kỳ.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển vaccine cũng không thể dự đoán được dịch bệnh sẽ bùng phát đến thời điểm nào, bên cạnh đó là quy trình kiểm tra độ an toàn nghiêm ngặt và nguy cơ kiện tụng liên quan đến tác dụng phụ. Thị trường vaccine nước ngoài gần như bị thống trị bởi các công ty dược phẩm khổng lồ và có rất ít cơ hội dành cho cho các công ty Nhật Bản. 

Một lãnh đạo của công ty dược phẩm Nhật Bản đang bắt tay vào nghiên cứu, phát triển vaccine cho biết: "Ngay cả khi phát triển thành công, một khi bắt đầu sản xuất, với trách nhiệm mang tính xã hội công ty phải luôn đảm bảo nguồn cung ổn định và không thể dừng lại. Nếu dịch bùng phát quy mô lớn, công ty có thể có lợi nhuận. 

Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, gánh nặng về chi phí duy trì con người và bảo trì thiết bị vô cùng lớn". Các công ty dược phẩm không có lựa chọn nào khác là tập trung kinh phí đầu tư cho các loại thuốc khác như thuốc chống ung thư - vốn có quy mô thị trường lên đến 1.400 tỷ yen chỉ tính riêng tại Nhật Bản. 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà sản xuất dược phẩm tại Nhật Bản chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn lực vốn thấp. Những doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất lượng vaccine vốn đã có nhu cầu ổn định trong nước. Do đó, khả năng nghiên cứu, phát triển loại vaccine mới bị giảm sút. 

Trước tình hình đó, năm 2007, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã công bố "Tầm nhìn ngành công nghiệp vaccine". Mục tiêu của bộ này là liên kết các doanh nghiệp lớn với các công ty, tổ chức vừa và nhỏ để tạo ra ngành công nghiệp vaccine có thể xâm nhập thị trường quốc tế. 

Kết quả của kế hoạch này là sự cải tổ như thành lập liên doanh giữa Daiichi Sankyo và Viện nghiên cứu Kitasato. Tuy nhiên, một lãnh đạo công ty dược phẩm cho biết: "Môi trường kinh doanh không thay đổi và ngành công nghiệp vaccine trong nước vẫn không thể phát triển triển. Trong thời gian tới, nếu phía Mỹ không cung cấp vaccine cho Nhật Bản thì vấn đề này sẽ nghiêm trọng hơn". 

Tại nước ngoài, vào tháng 3/2020, Chính phủ Mỹ là quốc gia đầu tiên quyết định hỗ trợ cho việc phát triển vaccine, trong đó có Trung tâm Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng. Các công ty dược phẩm lớn có nguồn lực kinh tế cũng nhanh chóng hợp tác với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sinh học sở hữu kỹ thuật độc đáo, trong đó có thể kể sự hợp tác phát triển giữa BioNtech và Pfizer của Đức. 

Một lãnh đạo của công ty dược phẩm nói rằng: "Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ứng phó sớm và liên tục hỗ trợ phát triển các loại vaccine COVID-19 tiềm năng". 

Ông Fumiyoshi Sakai thuộc công ty chứng khoán Credit Suisse đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp Nhật Bản không thể cạnh tranh được với các tập đoàn dược phẩm nước ngoài có kinh nghiệm trong đàm phán với chính phủ các nước và hợp tác với các công ty khởi nghiệp sở hữu các kỹ thuật độc đáo, và sự khác biệt này đã được lộ rõ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. 

Ông Masayuki Imagawa, Trưởng bộ phận phát triển vaccine của công ty dược phẩm Takeda Nhật Bản, cho biết: "Hệ thống phát triển vaccine nội địa là cần thiết xét về phương diện quốc phòng. 

Đại dịch tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dịch COVID-19 chính là cơ hội để Nhà nước - doanh nghiệp - cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản xây dựng thể chế duy trì hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine mới ngay trong thời bình"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục