Lý giải nguyên nhân Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện mưa đá

15:43' - 15/06/2024
BNEWS Trong hơn một tháng qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa với những cơn mưa dông diện rộng gây ngập úng cục bộ trên các tuyến đường, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, vào chiều 14/6 Thành phố đã xuất hiện mưa đá ở một số quận nội thành; các hạt đá to bằng đầu ngón tay, có hạt gần bằng nửa lòng bàn tay người lớn rơi xuống mặt đường, mái nhà tạo thành tiếng động lớn liên tục. Nhiều người dân bất ngờ bởi trước nay Thành phố hiếm khi xảy ra hiện tượng này.

 

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến ngày 17/6, gió Tây Nam lên đến tầng cao 6.000m. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn Tây; khoảng ngày 15-16/6 hình thành vùng hội tụ gió trên mức 6.000m ngay trên khu vực Nam bộ và từ ngày 17-20/6 gió mùa Tây Nam hoạt động lên đến mức 6.000m.

Dự báo từ ngày 15/6 đến 20/6, mưa tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cả về diện và lượng với diện mưa từ rải rác đến nhiều nơi; có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Trong những cơn mưa dông, người dân cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh có thể gây nguy hiểm cho người và thiệt hại về tài sản.

Lý giải cho hiện tượng mưa đá chiều 14/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia khí hậu Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mưa đá xuất hiện do đối lưu không khí mạnh. Trước lúc xảy ra mưa đá thường phải trải qua nhiều ngày không mưa, nắng nóng; nhiệt độ ngoài trời và độ ẩm tăng cao khiến hơi nước tích tụ nhiều trên những khối mây dông ở độ cao khoảng 6.000m so với mặt đất. Trên đỉnh mây cao, nhiệt độ rất thấp nên khi có mưa đột ngột sẽ hình thành đối lưu không khí khiến những hạt hơi nước chuyển động liên kết với nhau hình thành hạt nước đá lớn rồi rơi xuống đất.

Bà Lan nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua nhiều ngày không mưa, thời tiết oi bức làm cho độ bất ổn định của không khí lớn, hình thành mây dông. Ngay trong buổi sáng 14/6 cũng có nắng nóng gay gắt, bức xạ mặt trời cao kết hợp với mây đối lưu phát triển mạnh; đến chiều thì xuất hiện mây dông lên tới 7-8km độ cao, nước mưa bên trong đám mây ngưng tụ thành nước đá rơi xuống. Với điều kiện thời tiết như vậy thì việc có mưa đá xuất hiện là không quá bất ngờ.

Bà Lan cũng cho biết, trước đây mưa đá thường xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ do biến đổi khí hậu, thường xuyên có tình trạng nắng nóng kéo dài sau đó mưa đột ngột. Lần gần đây nhất mưa đá được ghi nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh là vào tháng 6/2022; thời điểm đó, mưa xảy ra tại các quận ngoại thành như Tân Phú, Tân Bình…

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mưa đá vẫn có khả năng xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ nay cho đến hết tháng 10/2024. Khi thời tiết xấu và có mây đối lưu thì rất dễ xuất hiện mưa đá. Dù hiếm và xảy ra ngắn nhưng mưa đá vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cũng cảnh báo, nếu hạt mưa đá có kích thước nhỏ khoảng chừng 0,5cm - 1cm thì sẽ không nguy hại cho người nhưng có thể gây dập nát hoa màu. Tuy nhiên, nếu kích thước hạt đá lớn thì sẽ rất nguy hiểm, có thể gây thủng mái tôn, vỡ kính nhà cửa, vỡ kính xe ô tô, thậm chí có thể gây thương tích cho người. Do đó, người dân cần hết sức lưu ý, khi thấy xuất hiện mưa đá, cần hạn chế ra đường; nếu đang di chuyển trên đường thì tìm chỗ trú để bảo đảm an toàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục