M&A thời đại dịch: Trong nguy có cơ

12:37' - 15/10/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những doanh nghiệp cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị để dần nối liền những đứt gãy khách quan.
Hội thảo M&A thời đại dịch: lớn mạnh cùng chuỗi giá trị. Ảnh: Báo Đầu tư
Sáng 15/10, Báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức Hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” bằng hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.

 

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 gây ra những thiệt hại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng tỉnh táo nhìn nhận có thể thấy được trong nguy có cơ. Trong một thương vụ M&A (mua bán sáp nhập), mục đích cuối cùng là đôi bên đều có lợi, đều đạt được mục tiêu đặt ra của mình. Và lớn hơn thế, sau mỗi thương vụ, giá trị kinh doanh, tầm vóc doanh nghiệp sẽ bước lên một tầm phát triển mới.

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những doanh nghiệp có chung tầm nhìn “đứng cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị” để dần nối liền những đứt gãy khách quan.

Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kỹ cho các thương vụ M&A, họ đã thuê đội ngũ nhân sự bài bản. Điều này chứng minh, họ không chỉ đi tìm kiếm nguồn vốn, mà đã ở thế chủ động tạo ra giá trị lớn, ở thế được quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Ông Phan Đức Hiếu, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 3 đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến mọi mặt của hoạt động M&A là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc thay đổi chính sách có tác động tích cực đến hoạt động M&A và bảo vệ người mua.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia rất ấn tượng và lạc quan về các giao dịch M&A theo hình thức mới là sở hữu trực tiếp, gián tiếp, hoặc vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, một trở ngại lớn cản trở việc chốt các thương vụ là vấn đề định giá. Các doanh nghiệp Việt thường muốn bán được giá rất cao, ngược lại, các nhà đầu tư luôn muốn sát với giá thị trường.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư cũng cho rằng, trong hai năm qua, các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch, mà còn là những doanh nghiệp năng động, quyết đoán trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động M&A.
"Có thể lấy câu chuyện của NovaGroup làm một trong những điển hình. Mỗi thương vụ M&A là một sách lược, một chiến thuật, một bước đi có tính toán”, ông Minh nói.
Với chủ đề “lớn mạnh cùng chuỗi giá trị”, Hội thảo sẽ cung cấp những góc nhìn thực tế về hoạt động M&A thân thiện và nhận diện các cơ hội nâng cao chuỗi giá trị trong một hệ sinh thái “win-win”.

Xuyên suốt chương trình Hội thảo chính là các phần thảo luận của 8 diễn giả với 2 phiên thảo luận xoay quanh các nội dung chính như diễn biến thị trường, tiềm năng, triển vọng hoạt động M&A tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch; các câu chuyện, bài học kinh nghiệm hậu M&A…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục