AMRO hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3

14:02' - 08/10/2021
BNEWS AMRO đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 xuống còn 6,1% trong năm 2021 so dự báo đưa ra trước đó trong tháng 3/2021 là 6,7%.

Ngày 7/10, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố bản báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3, khu vực gồm 10 nước ASEAN và ba đối tác Trung Quốc (trong đó có Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo đó, AMRO đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống còn 6,1% trong năm 2021 so dự báo đưa ra trước đó trong tháng 3/2021 là 6,7%. Nguyên nhân chính xuất phát từ tác động của làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta thời gian gần đây.
Các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục đóng vai trò định hướng sự phục hồi của khu vực ASEAN+3, đặc biệt là Trung Quốc, với việc đã tiêm vaccine đầy đủ cho hơn 2/3 dân số nước này, được hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả vốn cho phép kinh tế trong nước gần như mở lại hoàn toàn.
Dự kiến, khu vực các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 6,9% với Trung Quốc đại lục có tốc độ tăng mạnh nhất (8,2%), tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc) với 6,5% và Hàn Quốc (3,9%), Nhật Bản (2,6%).
Trong khu vực ASEAN, theo AMRO, dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, ở mức 2,7% trong năm 2021, do hậu quả của các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới kéo theo các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hơn nữa.

Singapore sẽ là nước có tăng trưởng cao nhất (6,3%), tiếp theo là Philippines với 4,3%, Malaysia với 4,1%).

Việt Nam được dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 2,6% trong năm 2021. Myanmar là nước duy nhất được AMRO dự báo kinh tế sẽ có tăng trưởng âm trong năm 2021, ở mức giảm 18,7%.
AMRO cho rằng đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu của khu vực ASEAN+3 bắt đầu từ cuối năm 2020 cho đến nửa đầu năm 2021, nhưng sau đó đã chậm lại.

Trong giai đoạn từ tháng 2-4/2021, tổng khối lượng xuất khẩu của khu vực này đã tăng vọt hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5/2021, động lực tăng trưởng xuất khẩu đã bắt đầu giảm dần do các làn sóng mới lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta đã buộc các nước phải thiết lập lại các biện pháp phong tỏa, kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO, con đường hướng tới sự phục hồi kinh tế được mở ra cùng với tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ông Khor cho rằng với việc hầu hết các quốc gia trong khu vực này dự kiến đạt các mục tiêu đặt ra về tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào đầu năm 2022, các nền kinh tế ASEAN+3 đang dần lấy lại được động lực phục hồi và khu vực này được dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022.
AMRO dự kiến năm 2022, kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 5%, trong đó khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng 4,8%, và các nước ASEAN sẽ đạt mức 5,8%.

Việt Nam được AMRO đánh giá sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong khu vực ASEAN+3 vào năm 2022, ở mức 7,5%, sau đó là Philippines và Malaysia (cùng 6,7%), Campuchia (6,6%), Thái Lan (5,8%), Indonesia (5,6%), Trung Quốc đại lục (5,5%).
Lạm phát trong khu vực ASEAN+3 cũng được AMRO dự báo sẽ gia tăng trong năm 2021 do các tác động cơ bản, sự phục hồi nhu cầu và những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn một nửa các nền kinh tế khu vực ASEAN+3 được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ lạm phát cao hơn trong năm nay, chủ  yếu do giá năng lượng và mặt bằng giá cả hàng hóa khác tăng cao.

Dự kiến khu vực ASEAN+3 sẽ ghi nhận mức lạm phát năm 2021 gia tăng 2,4%, trong đó khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng 1,1% và khu vực ASEAN tăng 3%. Năm 2022, mức lạm phát cũng sẽ tiếp tục gia tăng, tương ứng là 2,9%, 1,6% và 3,5%.
Báo cáo của AMRO cũng cho rằng những nền kinh tế khu vực ASEAN+3 (vốn đã từng bước có sự phục hồi) đã bắt đầu giảm bớt, thu hẹp những sự hỗ trợ về mặt chính sách.

Trong những tháng gần đây, cùng với tiến độ tiêm vaccine COVID-19 nhanh chóng và sự phục hồi kinh tế tương đối mạnh, các nhà hoạch định chính sách tại một số nền kinh tế đã dần có được sự tự tin để bắt đầu giảm bớt các biện pháp hỗ trợ chính sách.
Lập trường chính sách tài khóa của Trung Quốc đã chuyển từ mở rộng vào đầu năm nay sang thu hẹp, trong khi lập trường chính sách tiền tệ của nước này đã chuyển từ “thích ứng” sang “trung lập”.

Nhật Bản cũng được đánh giá là ít mở rộng hơn so với một năm trước, trong khi Hàn Quốc đã tăng lãi suất, nhưng vẫn giữ chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ liên tục cho các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, các nền kinh tế ASEAN lại đang ghi nhận mức tăng trưởng yếu hơn mong đợi do hậu quả của các đợt lây nhiễm COVID-19 đang bùng phát trở lại, phải duy trì lập trường chính sách tài khóa mở rộng.

Philippines và Thái Lan vẫn đang tiếp tục duy trì hỗ trợ tài chính do nền kinh tế đang vật lộn với số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 cao và tiến độ tiêm vaccine đầy thách thức.
AMRO cho rằng lập trường chính sách tài khóa của Indonesia dự kiến có sự khác biệt, sẽ chuyển sang “trung lập” trong năm nay dù gần đây có sự gia tăng hỗ trợ tài khóa cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, Lào dự kiến sẽ chuyển sang lập trường tài khóa thu hẹp hơn trong bối cảnh nợ công và nợ nước ngoài của nước này gia tăng.

Trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV2 có tốc độ lây lan nhanh hơn, thậm chí có khả năng kháng vaccine mạnh hơn, thì những ứng phó về mặt chính sách của khu vực này cũng cần phải được khéo léo, nhanh chóng hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Li Lian Ong, Trưởng Nhóm Giám sát Khu vực và Giám sát Tài chính của AMRO, việc giảm thiểu sự hỗ trợ đối phó với đại dịch COVID-19 sẽ là hành động cân bằng lớn đối với khu vực ASEAN+3 trong năm 2022.

Tuy nhiên, nếu việc giảm thiểu này diễn ra quá nhanh sẽ có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi của khu vực; nhưng nếu quá chậm sẽ có khả năng tạo ra các doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trì trệ, không khả thi cùng với tiêu tốn chi phí quá lớn về tài chính.

AMRO cho rằng bất kỳ sự thu hẹp hỗ trợ chính sách nào cũng cần phải đảm bảo giữa việc duy trì không gian chính sách còn lại và hỗ trợ cho sự phục hồi.

Để đạt được cả hai mục tiêu này, đòi hỏi cần phải có sự thành công trong các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, đảm bảo được hệ thống chăm sóc y tế vững mạnh hơn, cũng như sự chuyển đổi của lực lượng lao động và các ngành công nghiệp để giải quyết những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời nắm bắt cơ hội trong điều kiện bình thường mới.

Các biện pháp chính sách có mục tiêu cần tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm thiểu các tác động đáng lo ngại có thể dẫn tới việc mất cân bằng xã hội, bất bình đẳng kéo dài, đồng thời tạo điều kiện cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số mới/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục