Malaysia đàm phán mua thêm vaccine Sputnik V của Nga

17:50' - 23/12/2020
BNEWS Malaysia đang chi khoảng 500 triệu USD để có đủ vaccine cho 26,5 triệu người dân, chiếm 82,8% dân số nước này.

Trong nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Malaysia đang đàm phán để mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, đồng thời muốn mua thêm vaccine phòng căn bệnh này do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đồng phát triển.

Malaysia đang chi khoảng 500 triệu USD để có đủ vaccine cho 26,5 triệu người dân, chiếm 82,8% dân số nước này. Quốc gia Đông Nam Á này đã mua các vaccine của Pfizer-BioNTech và hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), cũng như dự định mua thêm vaccine từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga.

Trao đổi với báo giới ngày 23/12, Bộ trưởng Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết Chính phủ nước này đã nâng các mục tiêu cung ứng vaccine nhằm dự phòng các rủi ro khi một số vaccine có thể không được nhà chức trách cấp phép hoặc nếu các nhà sản xuất không thể hoàn thành việc giao hàng.

Ngoài các cuộc đàm phán với Viện Gamaleya của Nga - đơn vị phát triển vaccine Sputnik V, Malaysia cũng đang bàn thảo về vấn đề mua vaccine với các nhà sản xuất Sinovac Biotech Ltd và CanSino Biologics của Trung Quốc. Bộ trưởng Jamaluddin cho biết các thỏa thuận với các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga sẽ bao gồm việc hợp tác với các công ty Malaysia để triển khai thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Jamaluddin, Malaysia đã đặt mua 6,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ, tăng gấp đôi số lượng đã được thỏa thuận trước đó.

Chính phủ Malaysia cũng đang thương thảo với Pfizer về tăng số lượng mua vaccine của hãng này nhằm đảm bảo đủ cung ứng cho thêm 20% dân số nước này. Cho tới nay, Malaysia đã mua 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, với chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 2/2021.

Báo "Times of India" ngày 23/12 đưa tin Ấn Độ có khả năng sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của Oxford/AstraZeneca vào tuần tới sau khi nhà sản xuất đã gửi dữ liệu bổ sung cho các cơ quan thẩm quyền xem xét.

Đây có thể là quốc gia đầu tiên "bật đèn xanh" đối với vaccine của nhà sản xuất dược phẩm Anh trong khi cơ quan quản lý y tế của Anh tiếp tục xem xét, nghiên cứu và thẩm định các thông tin, dữ liệu của các cuộc thử nghiệm.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Vaccine của AstraZeneca-Oxford có vai trò rất quan trọng đối với các nước có thu nhập thấp và những nước có khí hậu nóng vì giá thành rẻ hơn, dễ vận chuyển hơn và có thể bảo quản trong thời gian dài ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào tháng 1/2021 và cũng đang xem xét các đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine do Tập đoàn Brarat Biotech của Ấn Độ sản xuất.

Ngày 22/12, Mexico thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào ngày 24/12, một ngày sau khi nước này nhận lô vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNTech.

Trên tài khoản Twitter, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết lô vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNTech sẽ "cập bến" trong ngày 23/12 và sẽ được bảo quản cho tới khi được đưa vào sử dụng từ ngày 24/12, ngày chương trình tiêm chủng bắt đầu.

Trước đó, Ngoại trưởng Mexico thông báo nước này sẽ tiếp nhận 1,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech được vận chuyển từ Bỉ. Mexico đã ký thỏa thuận mua 34,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và 35 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc.

Các thỏa thuận này nằm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và CanSino Biologics. Chính phủ Mexico cho biết kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch./.

>>Dịch COVID-19: Vaccine của Viện Khoa học Trung Quốc tạo phản ứng miễn dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục