Malaysia đặt mục tiêu không sử dụng túi nhựa vào năm 2025

08:05' - 10/05/2023
BNEWS Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu sẽ cấm sử dụng túi nhựa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc vào năm 2025.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu, Berhormat Nik Nazmi bin Nik Ahmad cho hay chính phủ Malaysia đặt mục tiêu sẽ cấm sử dụng túi nhựa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc vào năm 2025.

Tại buổi lễ phát động chiến dịch "Hãy dùng Túi tái sử dụng và Không dùng túi nhựa" ngày 9/5, ông Nik Ahmad chia sẻ rằng chiến dịch “không sử dụng túi nhựa” được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các địa điểm kinh doanh cố định như siêu thị và một số cửa hàng được chỉ định, sau đó sẽ được mở rộng ra tất cả các cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2025.

 

Sáng kiến này là kế hoạch dài hạn, được chính quyền các bang như Selangor, Penang, Johor và Negri Sembilan tích cực tham gia, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do thói quen sử dụng túi nhựa dùng một lần của người dân Malaysia.

Mục đích của chiến dịch không chỉ là xử phạt những người vi phạm mà còn khuyến khích người dân ngừng sử dụng túi nhựa. Theo ông Nik Ahmad, lệnh cấm sử dụng túi nhựa hiện chỉ được áp dụng tại một số nơi như siêu thị, các chợ nhỏ và cửa hàng tạp hóa, song phạm vi sẽ sớm được mở rộng, bao gồm cả các quầy hàng nhỏ ven đường.

Thông tin chi tiết của chiến dịch sẽ sớm được chính phủ Malaysia công bố trong thời gian tới. Malaysia sẽ trao quyền quyết định cho chính quyền các bang nhằm tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai.

Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Malaysia đã sử dụng 148 nghìn tấn nhựa để đóng gói thực phẩm và theo ông Nik Ahmad, đây không phải là điều tự hào đối với đất nước. Báo cáo của WWF năm 2020 nhận định Malaysia là một trong những nước gây ô nhiễm đại dương nhất châu Á, với mức tiêu thụ bao bì nhựa khoảng 16,8 kg/người.

Chất thải tại Malaysia thường là chất thải tổng hợp và thường được chôn ngầm dưới cát. Với điều kiện tự nhiên ở Malaysia, một phần chất thải này có thể bị cuốn trôi ra các sông ngòi và biển.

Theo chuyên gia của WWF, Malaysia cũng nên tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tạo thói quen phân loại rác thải, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tái chế rác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục