Malaysia định hướng trở thành trung tâm công nghệ năng động khu vực

06:30' - 24/11/2023
BNEWS Trong vài năm nay, Malaysia đã nhanh chóng trở thành trung tâm dữ liệu và điểm đến đầu tư của khu vực, sau khi tăng cường chi tiêu cho các trạm cáp, cáp ngầm dưới nước, mạng 5G và kết nối cáp quang.

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Wong Mei Foong thuộc Đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman (Malaysia), Malaysia đã nổi lên như một trung tâm năng động về công nghệ và đổi mới với hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và tinh thần khởi nghiệp đầy cảm hứng.

Quốc gia Đông Nam Á đã nhanh chóng trở thành trung tâm dữ liệu và điểm đến đầu tư của khu vực sau khi tăng cường chi tiêu cho các trạm cáp, cáp ngầm dưới nước, mạng 5G và kết nối cáp quang.

Với công suất sử dụng trung tâm dữ liệu là 113 megawatt (MW) vào năm 2022, Malaysia đã vượt qua Indonesia và Thái Lan để trở thành điểm đầu tư trung tâm dữ liệu phổ biến nhất ở Đông Nam Á.

Infinaxis dự báo lĩnh vực trung tâm dữ liệu của Malaysia sẽ tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2022–2027, đạt trị giá khoảng 2 tỷ USD. Điều này tạo ra cơ hội việc làm và hiệu ứng kinh tế lan tỏa. Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã vượt qua các ngành khác, chiếm 44% số việc làm mới được tạo ra ở Malaysia vào năm 2021.

Ngoài ra, tổ chức cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số Persatuan Industri Komputer dan Multimedia Malaysia (Pikom) dự báo nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia sẽ đóng góp 24,4% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia trong năm 2023 và 25,5% năm 2024. Lĩnh vực kỹ thuật số đã đóng góp lần lượt 23,2% và 23,4% GDP của Malaysia năm 2021 và 2022, và ước tính trên cho thấy mức tăng trưởng đáng kể. Sự bền vững của nền kinh tế kỹ thuật số bất chấp biến động kinh tế toàn cầu đã khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á.

 
Pikom cũng dự đoán lương của các tài năng kỹ thuật số sẽ ghi nhận tăng trưởng hai con số là 13,9% trong năm 2023 và 4,1% trong năm 2024. Cạnh tranh thu hút nhân tài ngày càng gia tăng do sự trở lại của các chuyên gia lành nghề sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Bên cạnh đó, xu hướng đồng nội tệ ringgit (RM) suy yếu, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực tư nhân được đẩy nhanh và các chính sách có tư duy tiến bộ của chính phủ cũng giúp thúc đẩy mức lương thưởng tăng lên.

Tuy nhiên, khi so sánh thập phân vị cao hơn trong phân phối thu nhập của Malaysia với cùng phân khúc ở 20 quốc gia khác, Malaysia hiện xếp thứ 10. Xét về mức lương trung bình, Malaysia đứng thứ 17. Điều này có thể giải thích lý do quốc gia này đang mất đi nhân tài kỹ thuật số. Do đó, việc ưu tiên “giữ chân” các tài năng kỹ thuật số là điều cấp thiết.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng khai thác năng lực kinh tế lên tới 113,4 tỷ USD và tạo ra các vị trí được trả lương cao. Mức lương của CEO trong 22 ngành công nghiệp dao động từ 30.000 RM (6.400 USD) đến 65.000 RM (13.880 USD). Phần cứng công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và ngân hàng là những lĩnh vực được trả lương cao nhất.

Các công ty công nghệ số đóng góp hơn một nửa kinh tế toàn cầu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 10 năm tới, giá trị kinh tế số ước tính chiếm 70% giá trị mới được tạo ra. Malaysia phải cung cấp hệ sinh thái và lực lượng lao động khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) có trình độ để chuẩn bị cho nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ kỹ thuật số. Theo phân tích của WEF, cứ 10 ngành nghề mới thì có 8 kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số được yêu cầu và các vị trí tuyển kỹ thuật đã tăng gần gấp ba lần.

Các sáng kiến tích cực như Mydigitalmaker đang thúc đẩy khuôn khổ Nền kinh tế Madani. Đây là sáng kiến của Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC). Kể từ năm 2016, hơn 2,5 triệu trẻ em đã được hưởng lợi từ chương trình này. Học sinh được học về mã hóa, công nghệ máy bay không người lái, AI, phát triển trò chơi và các kỹ năng khác, giúp thúc đẩy nhận thức và sự tham gia để thay đổi lối sống không lành mạnh của thanh thiếu niên Malaysia.

Ngoài ra, Ecole 42 Kuala Lumpur (42KL), phương pháp giáo dục học tập dựa trên dự án nhằm chuẩn bị cho sinh viên một tương lai về công nghệ phần mềm, có mục tiêu nuôi dưỡng tài năng công nghệ cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Malaysia đã phát triển một kế hoạch chiến lược toàn diện nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng truyền thông, an ninh mạng và tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số để chuẩn bị cho “Thập kỷ kỹ thuật số vàng”. Tăng cường các công cụ tài chính, tài trợ phù hợp, hỗ trợ kinh phí, xây dựng năng lực và tư vấn là những chiến lược để tăng cường áp dụng kỹ thuật số.

 

Ngân sách năm 2024 của Malaysia phân bổ 2,84 tỷ RM (0,60 tỷ USD) cho Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và các ngành công nghiệp sáng tạo. Ngân sách này bao gồm các khoản tài trợ số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô trị giá 100 triệu RM (21,36 triệu USD), các khoản vay số hóa và tự động hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trị giá 900 triệu RM (192,28 triệu USD)…

MDEC đã tài trợ cho 372 dự án và cấp 15,8 triệu RM (3,37 triệu USD) cho những người chiến thắng Thử thách người sáng tạo nội dung số (DC3) trong những năm qua. DC3 là nền tảng dựa trên cạnh tranh hỗ trợ người tạo nội dung trong việc tạo ra nội dung kỹ thuật số và sở hữu trí tuệ đẳng cấp thế giới.

Chương trình này dành cho các công ty phát triển nội dung số ở bốn thể loại: Truyện tranh kỹ thuật số, hoạt hình, phương tiện tương tác và trò chơi kỹ thuật số. Kế hoạch này thúc đẩy môi trường sáng tạo phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho ngành sáng tạo của Malaysia.

Gần đây, Malaysia và Trung Quốc đã ra mắt Vườn ươm liên doanh Vành đai và Con đường (BROVI) để tăng cường hợp tác kinh tế. Hai nước có các chính sách tăng trưởng kinh tế và xã hội giống nhau, trong đó nhấn mạnh đến đổi mới công nghệ.

Cả hai khái niệm Malaysia Madani của Malaysia và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đều có chung mục tiêu là đạt được các mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, tầng lớp xã hội hay tôn giáo, từ đó đưa ra định hướng rõ ràng cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Cả hai quốc gia đã đạt được những kết quả đáng chú ý, bao gồm các dự án mang tính chuyển đổi như Tuyến Đường sắt Bờ Đông (ECRL), sáng kiến “Hai quốc gia, Hai khu công nghiệp” và Khu thương mại tự do kỹ thuật số của Alibaba (DFTZ) đã mang lại lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể.

Năm 2022, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Malaysia đạt kỷ lục 203,6 tỷ USD, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia là 12,5 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước này. Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào Malaysia và hợp tác công nghệ cao đang được mở rộng.

Geely Automobile đang tăng cường đầu tư để biến Tanjung Malim thành thành phố ô tô trong khu vực. Trung Quốc sẵn sàng cùng thực hiện một loạt sáng kiến và hướng tới đạt được tầm nhìn tương lai chung giữa Trung Quốc và Malaysia.

Năm 2024 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trung Quốc và Malaysia có lịch sử quan hệ lâu dài và là những đối tác đáng tin cậy, trao đổi cởi mở. Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Malaysia để tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như việc thành lập Viện Vành đai và Con đường Malaysia-Trung Quốc (MCBRI) gần đây là nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác học thuật giữa hai nước.

Malaysia và Trung Quốc có nền kinh tế kỹ thuật số và lợi thế truyền thông bổ sung cho nhau. Do đó, người ta kỳ vọng rằng sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia và tăng cường hợp tác về truyền thông kỹ thuật số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho cả hai nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục