Malaysia khó hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lần thứ 12

09:20' - 29/09/2021
BNEWS Giới phân tích đánh giá cao các chiến lược mà Chính phủ Malaysia đưa ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 12 (12MP, giai đoạn 2021-2025).

Nhưng nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được một số mục tiêu đề ra. Một trong những câu hỏi trọng tâm đó là làm thế nào để đạt được các thành quả trong bối cảnh những thách thức thực tế hiện tại, nhất là tác động của đại dịch COVID-19.

Tiến sĩ Carmelo Ferlito, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thị trường Malaysia (CME), nghi ngại viễn cảnh chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri sẽ áp đặt chiến lược vượt qua các lực lượng thị trường trong một số tình huống. Ông nhận định, biết điểm yếu nhất của 12MP là nỗ lực hướng hệ thống kinh tế đi ngược lại với thị trường, chẳng hạn như việc nhấn mạnh vào đầu tư công nghệ cao và việc làm.

Tiến sĩ Carmelo chỉ ra Malaysia cần một cuộc cải cách giáo dục, trong đó cho phép các trường trung học chuyên nghiệp hóa sinh viên và đánh giá lại những công việc hiện bị cho là ở cấp thấp hơn. Theo ông, đây là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cung cấp giáo dục đại học đại trà, khiến giá trị của giáo dục đại học giảm dần và dẫn tới hậu quả lượng lớn người thất nghiệp thất vọng, buộc Malaysia phải tuyển dụng thêm lao động nước ngoài.

Tiến sĩ Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hồi giáo Malaysia (BI), cho rằng việc phân bổ đáng kể cho chi tiêu phát triển sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP, vì việc này, nếu được thực hiện kịp thời, sẽ có tác động cấp số nhân ngay lập tức lên nền kinh tế.

Ông cũng đánh giá cao sáng kiến dành khoản ngân sách chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển dự kiến sẽ tăng từ 1% GDP năm 2020 lên 2,5% GDP vào năm 2025. Điều này cho thấy cam kết của chính phủ trong việc đảm bảo nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển một cách chất lượng. Ông nhấn mạnh điều này sẽ dẫn đến nhu cầu về lao động có tay nghề cao.

Nhận định các mục tiêu và biện pháp của 12MP có tính chiến lược và tích cực trong dài hạn, nhưng các chuyên gia tại Ngân hàng Đầu tư Hong Leong (HLIB) cho rằng kế hoạch này không có khả năng gây ra nhiều hiệu ứng ngay lập tức cho thị trường. Thực tế, thị trường và đà phục hồi nền kinh tế phụ thuộc vào đà mở cửa kinh tế trong ngắn hạn.

Nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị một số vấn đề cần chú ý trong quá trình bàn thảo và ban hành bản kế hoạch này. Đối với vấn đề lao động nước ngoài, mục tiêu dài hạn để tăng cường chất lượng lao động bản địa đó là giới hạn ở mức tối đa 15% lao động nước ngoài. Hiện các lĩnh vực đang phụ thuộc vào số lao động nước ngoài gồm xây dựng, dịch vụ sản xuất điện tử, găng tay, đồn điền và ở mức độ thấp hơn là công nghệ.

Quyền sở hữu của người Mã Lai bản địa (Bumiputera) cũng được thắt chặt. Nhằm đảm bảo mạng lưới an toàn cho quyền sở hữu cổ phần bumiputera bền vững, các công ty hoặc cổ phần bumiputera chỉ được bán cho các tập đoàn, công ty hoặc cá nhân bumiputera khác.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 27/9, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã trình bày 12MP với chủ đề “Một Malaysia thịnh vượng, toàn diện, bền vững”, nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi đại dịch COVID-19 và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Các lĩnh vực trọng tâm của lộ trình phát triển gồm phúc lợi xã hội và bảo vệ người lao động, đặc biệt là của nhóm 40% dân cư có thu nhập thấp nhất, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các bang và các khu vực, đặc biệt là thông qua số hóa và sử dụng công nghệ tiên tiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục