Malaysia, New Zealand thúc đẩy RCEP khi Mỹ rút khỏi TPP

18:57' - 24/01/2017
BNEWS Malaysia và NewZealand đồng thời đưa ra quyết định tập trung vào hoàn thành RCEP thay cho TPP đang có khả năng bị xóa bỏ.

Malaysia và New Zealand thúc đẩy RECP thay vì TPP. Ảnh: TTXVN

Giới chức Malaysia ngày 24/1 cho biết nước này sẽ tập trung vào hội nhập kinh tế khu vực và hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không thành hiện thực sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi.

Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed, Malaysia sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hoàn tất RCEP vốn bao gồm ASEAN và 6 đối tác thương mại chủ chốt của khối trong đó có Trung Quốc.

Bộ trưởng Mohamed cho biết Malaysia cũng sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các thành viên của TPP mà hiện nước này không có bất kỳ thỏa thuận thương mại ưu đãi nào.

Bộ trưởng Mohamed nhấn mạnh các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia ký kết TPP sẽ liên lạc thường xuyên với nhau để cân nhắc tất cả lựa chọn có thể trước khi đưa ra cách giải quyết tốt nhất.

Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu Malaysia sẽ tiếp tục theo đuổi TPP mà không có Mỹ hay không. Bình luận về việc Tổng thống Trump cho rằng TPP có thể gây ra tình trạng thất nghiệp ở Mỹ, ông Mohamed khẳng định TPP là một hiệp định công bằng.

Theo đó, Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi trong việc tiếp cận thị trường tốt hơn đối với các nước mà nước này chưa có FTA trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Bill English cũng khẳng định nước này sẽ không loại bỏ các phiên bản tự do thương mại khác khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP.

Phát biểu với báo giới tại Wellington, Thủ tướng English nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP không phải điều bất ngờ, song vẫn làm New Zealand thất vọng sau khi các nước nỗ lực đàm phán về hiệp định.

Ông cho biết các nước còn lại trong TPP dự kiến sẽ gặp nhau trong những tháng tới để xem xét các bước tiếp theo có thể, đồng thời khẳng định "TPP không chỉ là một phiên bản duy nhất", và ý chí chính trị cho RCEP sẽ được tăng cường./.

>>> Tân Tổng thống Mỹ chính thức ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục