Malaysia nhắm mục tiêu trở thành trung tâm của ngành công nghiệp ô tô ASEAN

12:51' - 15/07/2024
BNEWS Đối với Malaysia, tiềm năng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp ô tô ở ASEAN không chỉ nằm ở chiến lược thúc đẩy xuất khẩu ô tô mà còn phụ thuộc vào việc tăng cường xuất khẩu linh kiện.

Đối với Malaysia, tiềm năng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp ô tô ở ASEAN không chỉ nằm ở chiến lược thúc đẩy xuất khẩu ô tô mà còn phụ thuộc vào việc tăng cường xuất khẩu các bộ phận và linh kiện.

Giám đốc điều hành Viện Ô tô, Robot và IoT Malaysia (MARii), Azrul Reza Aziz, nhấn mạnh rằng các công ty sản xuất ô tô và phụ tùng Malaysia phải kiên trì gia tăng xuất khẩu ô tô nhằm đạt được quy mô kinh tế và cho phép bán phụ tùng ô tô với giá cạnh tranh hơn.

Ông cho biết, khối lượng xuất khẩu tăng lên có thể làm giảm chi phí sản xuất và giá linh kiện, nhờ đó tăng khả năng cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực và lân cận vốn có giá phụ tùng ô tô rẻ hơn khi có khối lượng xuất khẩu lớn.

 

Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô, các nhà nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô và các nhà kinh tế đều tin rằng những nỗ lực này rất quan trọng để đưa Malaysia trở thành trung tâm ô tô khu vực của ASEAN và tận dụng cơ sở tiêu dùng gần 700 triệu người của khu vực.

Do đó, ông Azrul Reza Aziz đã kêu gọi các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) không chỉ xuất khẩu ô tô mà còn cả các bộ phận và linh kiện, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của ngành công nghiệp ô tô Malaysia.

Chi phí chuỗi cung ứng của Malaysia hiện cao hơn 30% so với Trung Quốc và 10% so với Thái Lan. Ông Azrul Reza Aziz cho rằng điều cần thiết là phải nhận thấy rằng khoản chi phí này sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào cơ cấu chi phí, mẫu xe và hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mỗi công ty. Trong khi đó, việc các công ty có thể có mức độ trưởng thành khác nhau trong chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chi phí tổng thể của họ.

Mặc dù đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể nhưng tổng khối lượng sản xuất (TPV) cao kỷ lục của Malaysia chỉ là 775.000 xe, so với TPV của Trung Quốc là 30 triệu xe và Thái Lan là 1,8 triệu xe.

Theo ông Azrul Reza Aziz, các công ty Malaysia phải chuyển đổi bằng cách nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật số, tận dụng công nghệ trong thời đại 4.0 để giải quyết các thách thức. Điều này rất quan trọng vì Malaysia đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, tập trung vào phát triển các bộ phận xe điện, xe tự hành và các cấu thành Internet vạn vật.

Ông nói với những hạn chế trong việc mua nguyên liệu thô số lượng lớn do liên quan đến chi phí cũng như chi phí bổ sung cho việc xử lý và bảo trì hàng tồn kho, các giải pháp kỹ thuật số mang lại giải pháp ngay lập tức. Hơn nữa, các giải pháp kỹ thuật số sẽ nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các công nghệ sản xuất bồi đắp và kỹ thuật, có sự hỗ trợ của máy tính.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Malaysia, Shamsor Zain, cho biết dân số, phương tiện và mạng lưới bảo trì nội địa của Trung Quốc và Thái Lan lớn hơn đáng kể so với Malaysia. Việc các nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu có nghĩa là các nhà cung cấp của họ ít bị tổn thương hơn trước những biến động của tỷ giá hối đoái. Những chi phí như vậy phần lớn cũng được thúc đẩy bởi các nguồn cung và cầu.

Ông nói mặc dù Malaysia có chuỗi cung ứng ô tô tương đối trưởng thành với lịch sử hơn 50 năm, nhưng chi phí thiết lập và đổi mới hoạt động sản xuất linh kiện bằng công nghệ mới rất cao. Do đó, cách hiệu quả nhất đối với những khoản đầu tư này là Malaysia phải tự định vị mình là trung tâm xuất khẩu.

Theo ông Shamsor Zain, ngành công nghiệp ô tô địa phương cần xây dựng năng lực về chất lượng, khả năng chi trả và năng suất đối với các bộ phận được sản xuất trong nước bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và tăng cường năng lực của các OEM.

Ông chia sẻ thêm rằng các nhà sản xuất thường có quan điểm khác nhau về cơ cấu mô hình kinh doanh, trong đó chi phí chỉ là một trong nhiều vấn đề cần cân nhắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục