Malaysia trước bài toán thiếu hụt nguồn cung thịt gà

05:30' - 29/05/2022
BNEWS Malaysia trở thành quốc gia mới nhất áp đặt hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.

Từ ngày 1/6 tới, Malaysia sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt gà. Theo Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob sắc lệnh này sẽ kéo dài đến khi giá mặt hàng lương thực yêu thích của người Malaysia này và nguồn cung ổn định trở lại.

Với quyết định này, Malaysia trở thành quốc gia mới nhất áp đặt hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. Trước đó, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ, Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu cọ.

Phát biểu trước báo giới sau phiên họp nội các bàn thảo về vấn đề giá lương thực hôm 23/5, Thủ tướng Ismail nêu rõ: "Chính phủ đang rất quan tâm và nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề giá cả tăng cao cùng nguồn cung thịt gà hạn chế đang ảnh hưởng đến đời sống người dân". Hiện tại, mỗi tháng Malaysia xuất khẩu 3,6 triệu con gà. Trong tuyên bố chính thức, ông khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ chính là người dân.

Ngoài các biện pháp này, các biện pháp khác được sử dụng để hỗ trợ thị trường sẽ bao gồm tạo nguồn dự trữ thịt gà và tối ưu hóa các cơ sở bảo quản lạnh thuộc quyền sở hữu của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (MAFI) cùng các cơ quan khác. 

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ thúc đẩy đơn giản hóa quy trình yêu cầu trợ cấp cho các nhà sản xuất gà và công nhận thêm nhiều lò giết mổ ở nước ngoài để tăng nguồn cung thịt gà cho nhu cầu nội địa.

Giấy phép phê duyệt nhập khẩu thịt gà nguyên con và cắt miếng cũng đã bị bãi bỏ để tăng nguồn cung thực phẩm. Mặt khác, để giải quyết vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng, các bộ trưởng cũng đưa ra đề xuất trồng ngô làm nguồn thức ăn thay thế cho gà trong cuộc họp nội các.

Quyết định trên của Malaysia khiến Singapore - nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực của Malaysia - quan ngại. Theo số liệu chính thức, khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore trong năm 2021 là từ Malaysia. 

Singapore cảnh báo lệnh cấm này có thể dẫn đến "những gián đoạn tạm thời đối với mặt hàng gà ướp lạnh", song cho biết nước này đang phối hợp với các nhà nhập khẩu để giảm thiểu tác động trên thị trường, đồng thời kêu gọi người dân chỉ nên mua sắm thực phẩm theo đúng nhu cầu. Các thị trường xuất khẩu thịt gà khác của Malaysia bao gồm Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc).

Theo bà Selena Ling, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu & Chiến lược Ngân khố tại ngân hàng OCBC, quyết định của Chính phủ Malaysia tác động lên giá cả thực phẩm tại Singapore là rất đáng kể. Nếu những động thái này mở rộng lên cả các quốc gia khác như một hành vi bảo hộ khỏi các mối lo ngại an ninh lương thực và lạm phát, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả mọi người.

Nhiều nước trên thế giới đang tỏ ra quan ngại trước tình trạng an ninh lương thực không được đảm bảo, do tác động của biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cảnh báo tình trạng giá cả leo thang đang dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Giáo sư kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST), Tiến sỹ Geoffrey Williams, cho biết mặc dù nước này sẽ tạm ngừng xuất khẩu gà nhằm nỗ lực ổn định giá, song các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn sẽ được hưởng lợi từ thị trường nội địa, nơi đang phải đối mặt với các vấn đề thiếu hụt nguồn cung.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các nhà xuất khẩu sẽ mất thị phần và thu nhập. Do đó, ông đề xuất chính phủ nên có một chương trình bồi thường cho nhà sản xuất theo hai hình thức trợ cấp nguyên liệu hoặc giảm thuế.

Tiến sỹ Williams cho rằng, việc ngừng xuất khẩu là một giải pháp tốt trong ngắn hạn nhằm giải quyết trước mắt tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài vì mức giá trần sẽ khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Ông lưu ý rằng, chính phủ đã đưa ra quyết sách đúng để ổn định thị trường bằng cách bãi bỏ yêu cầu giấy phép đã được phê duyệt đối với nhập khẩu gà, bao gồm cả gà nguyên con và nội tạng, cũng như điều tra các cáo buộc rằng một số công ty lớn đang có hành vi thao túng giá…

Trong khi đó, một trong những công ty kinh doanh gia cầm lớn nhất ở Malaysia, hiện đang xuất khẩu gà sang Brunei, dự kiến doanh thu hàng tháng sẽ giảm khoảng 500.000 ringgit (125.000 USD). Người phát ngôn của công ty cho biết, công ty đã xuất khẩu 50 tấn thịt gà nguyên con đến Brunei mỗi tháng. 

Do đó, trước quyết định này của chính phủ, công ty sẽ có bị mất thu nhập sau khi dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông cho biết công ty hiện đang tập trung vào thị trường địa phương, vốn chiếm đến 98% tổng doanh số. Ông cho biết thêm, trước đây, công ty bán 20.000 con gà mỗi ngày và số lượng gà bán ra đã giảm 20% trong giai đoạn khan hiếm.

Do đó, công ty hiện đang tập trung vào nhu cầu địa phương, chủ yếu ở các siêu thị bán lẻ. Mức doanh thu của công ty là 13 triệu ringgit mỗi tháng trước khi nguồn cung thiếu hụt.

Trong khi đó, Giám đốc bán hàng Lee Kuan Loong của Farm's Best Food Industries Sdn Bhd cho biết, công ty đang xuất khẩu khoảng 10.000 con gà cho công ty con tại Singapore hai tháng một lần và hợp đồng này đang mang lại khoảng 30.000 ringgit.

Đồng thời ông cho biết thêm gần đây doanh thu của công ty giảm khoảng 50-60% và việc ngừng xuất khẩu sắp tới cũng có thể dẫn đến doanh thu giảm. Ông nói thêm: “Quyết định của chính phủ có thể dẫn đến gián đoạn tạm thời đối với nguồn cung gà ở Singapore. Do vậy, chúng tôi đề nghị được xuất khẩu 5% sản phẩm của mình sang Singapore”.

Malaysia là một trong những nước tiêu thụ nhiều thịt gà trên thế giới. Theo tờ New Straits Times, mỗi người dân Malaysia trung bình 1 năm tiêu thụ khoảng 50 kg thịt gà, và thịt gà cũng chính là nguồn cung protein phổ biến nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhu cầu tiêu thụ gà của cả nước là 1,8-2 triệu con/ngày.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá thịt gà tại đây tăng cao và buộc các nhà bán buôn và bán lẻ phải đặt giới hạn số lượng gà bán cho khách hàng.

Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ Mydin ông Ameer Ali Mydin cho biết, công ty của ông đã phải hạn chế bán thịt gà ở mức 2 con cho mỗi khách hàng tại các cửa hàng của mình. Việc này xảy ra do các đơn đặt hàng thịt gà hàng tuần của Mydin đã giảm từ mức 100 tấn xuống còn 40 tấn.

Theo các chuyên gia, một trong các yếu tố chính ảnh hưởng tới nguồn cung thịt gà tại Malaysia chính là chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Ông Irwan Samad, chủ trang trại với khoảng 500 con gà Kampung ở Kota Tinggi cho hay giá thức ăn cho gà đã tăng gần gấp đôi so với tháng Tư.

Trong khi đó, người chăn nuôi lại không thể nâng giá thịt gà do chính phủ đã quy định mức giá trần 2,04 USD/kg. Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn chỉ nuôi số lượng ít để tiết kiệm chi phí, từ đó dẫn tới thiếu nguồn cung thịt gà.

Ông Ameer Ali, chủ sở hữu của Mydin, cũng nhận định mức giá trần áp dụng cho thịt gà từ tháng Tư tới đầu tháng Sáu đã khiến thị trường gặp hỗn loạn do giá bán không bù đắp được chi phí thức ăn cho gà gia tăng./.

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục