Malaysia: Vấn đề thuế và bài toán nguồn thu trong Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023

05:30' - 22/02/2023
BNEWS Bài toán ngân sách và nguồn thu ngân sách luôn là thách thức thường trực và là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ đoàn kết của Malaysia do Thủ tướng Anwar Ibrahim đứng đầu.
Malaysia: Vấn đề thuế và bài toán nguồn thu trong Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023. Ảnh: THX/ TTXVN
Câu trả lời mà dư luận mong muốn có thể sẽ phần nào được sáng tỏ khi chính phủ sẽ trình Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023 trước Hạ viện trong phiên họp ngày 24/2 tới.

Kể từ khi được chỉ định làm Thủ tướng thứ 10 của Malaysia, ông Anwar đã nhiều lần khẳng định rằng các đề xuất của Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023 sẽ không đưa ra các loại thuế tiêu dùng mới trên diện rộng như thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), nhằm tránh tạo gánh nặng cho người dân. Sự đảm bảo này chắc chắn đã giúp người dân giữ bình tĩnh ngay cả khi họ đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng, lãi suất tăng và sự gián đoạn do các sự kiện toàn cầu gây ra.

Nếu Malaysia dựa vào các hệ thống thuế hiện có để thúc đẩy tiến bộ quốc gia, câu hỏi đặt ra là chính phủ sẽ làm thế nào để giải quyết vấn đề này một cách bền vững. Tổng nợ và nợ phải trả của quốc gia Đông Nam Á đã ở mức hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 1.500 tỷ ringgit (RM) và 338,5 tỷ USD. Với thực tế này, giới phân tích và dư luận đều nhất trí với tuyên bố của Thủ tướng Anwar rằng các biện pháp triệt để cần được đưa ra nhằm ngăn chặn con số này tăng cao hơn nữa.

Hai công cụ chính

Về mặt logic, có hai cách chính để đạt được điều này. Một là tăng doanh thu của chính phủ và hai là cần giảm chi tiêu. Điều thứ hai liên quan đến kỷ luật chi phí chặt chẽ hơn, đã được đề xuất trong dự thảo Ngân sách 2023 do cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đưa ra vào tháng 10/2022 và đây sẽ là một cách tiếp cận có khả năng được đề cập lại trong Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023.

Trên thực tế, có nhiều tín hiệu cho thấy phương châm này thông qua các đánh giá tích cực của chính phủ để hợp lý hóa các khoản trợ cấp theo cách tiếp cận có mục tiêu hơn.

Đối với việc tăng doanh thu, chính phủ có thể cân nhắc một số biện pháp khả thi như thay vì áp dụng GST, cơ quan chức năng xem xét tìm giải pháp thay thế hợp lý hơn thông qua mở rộng phạm vi của chế độ thuế bán hàng và dịch vụ (SST) hiện có.

Dẫn chứng cụ thể là việc áp dụng thuế bán hàng đối với hàng hóa giá trị thấp gần đây và đề xuất thuế dịch vụ đối với dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Các nhà hoạch định chính sách một mặt có thể xem xét các biện pháp tương tự để tăng ngân quỹ, đồng thời cần nhận thức rõ về thuế theo tầng, chỉ nên đánh thuế một lần. Các yếu tố tích cực của GST, chẳng hạn như tín dụng thuế đầu vào tự điều chỉnh hoặc thuế suất bằng 0 đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, cũng có thể được xem xét.

Một mối quan tâm lớn với bất kỳ điều chỉnh nào đối với hệ thống thuế là tác động đến giá cả. Hiện tại, Bộ Nội thương và Chi phí sinh hoạt đã đưa ra Quy định kiểm soát giá và chống trục lợi nhằm giải quyết những lo ngại về khả năng các doanh nghiệp sẽ kiếm được lợi nhuận cao bất hợp lý.

Quy định này được đưa ra từ năm 2015, có thể được xem xét và hoàn thiện để đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với những thay đổi trong chế độ thuế cũng như tình hình thực tại. Các chế tài về hình phạt cũng có thể được xem xét lại dành cho những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Gần đây, Cục Hải quan Hoàng gia Malaysia (RMCD) đã thông báo doanh thu từ thuế gián thu cho năm 2022 đạt 53,54 tỷ RM (12,08 tỷ USD), cao hơn 25% so với số thu năm 2021. Ngoài việc doanh thu từ người nộp thuế tốt hơn do tăng trưởng kinh tế vào năm 2022, nguyên nhân khác có thể là do RMCD đã giới thiệu Chương trình ân giảm thuế và Khai báo tự nguyện đặc biệt một lần, khuyến khích người nộp thuế tự nguyện tiết lộ những sai sót thực sự với một số ưu đãi nhất định. Chương trình này có lợi cho cả người nộp thuế và RMCD nên cơ quan hữu quan cần nghiên cứu xem xét và gia hạn lâu dài trong tương lai.

Tuy nhiên, RMCD cũng chia sẻ có sự rò rỉ thuế phát sinh từ những người không trả được nợ. Thực tế này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự phổ biến của nền kinh tế ngầm, gây ra nhiều thất thoát cho chính phủ. Các nỗ lực khác nhau do RMCD và các cơ quan liên quan đưa ra trong Ngân sách 2021 nhằm hạn chế buôn bán thuốc lá bất hợp pháp đã cố gắng làm giảm mức độ hoạt động kinh tế ngầm này. Để cải thiện và ứng phó với tình trạng này đòi hỏi sự cộng tác và nhận thức cao hơn giữa các bên liên quan.

Thuế carbon: Một công đôi việc

Một hệ thống tạo doanh thu khác là thuế carbon vốn đã và đang được nhiều quốc gia nghiên cứu và áp thuế. Đây là loại thuế thường đánh vào người phát thải đối với mỗi tấn khí thải nhà kính (GHG).

Mục đích của thuế carbon là nhằm tăng giá đối với sản phẩm hàng hóa phát thải carbon cao hơn, qua đó khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường. Với các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang chiếm vị trí trung tâm hiện nay, việc áp dụng loại thuế này không chỉ tạo ra doanh thu mà quan trọng hơn là giải quyết các thách thức về khí hậu toàn cầu.

Ví dụ, thuế suất carbon của Singapore được đặt ở mức 5 đô la Singapore (SGD)/tấn, tương đương 16,54 RM/tấn, cho đến năm 2023 và được áp dụng cho các cơ sở trực tiếp thải ra ít nhất 25.000 tCO2e (tCO2e: Carbon dioxide tương đương) khí thải GHG mỗi năm.

Sau khi Dự luật định giá carbon (sửa đổi) được thông qua, thuế carbon của Singapore sẽ tăng lên 25 SGD/tấn đối với phát thải khí nhà kính vào năm 2024 và 2025 và sẽ tăng lên tới 45 SGD/tấn vào năm 2026 cũng như tiếp tục tăng trong những năm sau.

Dự kiến Singapore sẽ thu 1 tỷ SGD tiền thuế carbon trong 5 năm đầu tiên. Giới phân tích khuyến nghị Chính phủ Malaysia rằng với lợi thế là một quốc gia được ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cần đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản xanh của mình cho tương lai và việc áp thuế carbon cần được cân nhắc triển khai sớm.

Ngân sách 2023 sẽ là một phép thử mạnh đối với chính phủ đoàn kết của Thủ tướng Anwar Ibrahim khi người dân đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo đất nước để lèo lái đất nước hướng tới một nền tảng vững chắc hơn.

Giới phân tích cho rằng đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản trong tình hình kinh tế hiện tại của Malaysia, trong đó đòi hỏi cần có sự hỗ trợ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp nếu Dự thảo Ngân sách sửa đổi 2023 thực sự lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục