Măng cụt GlobalGAP cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

07:50' - 21/08/2021
BNEWS Ông Trần Quang Đông, chủ trang trại Gia Ân (xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã thành công với mô hình trồng cây măng cụt ứng dụng công nghệ cao.

Sản phẩm măng cụt của trang trại Gia Ân được công nhận đạt tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu" (GlobalGAP) 5 năm liền, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

*Quy trình sản xuất tỉ mỉ

Năm 2000, ông Đông đến tỉnh Đắk Nông đầu tư trang trại. Nhận thấy Đắk Nông đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên ông Đông quyết định trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả.

Ông Đông cho biết, trước đây, khu vực này là vùng đồi, núi hẻo lánh, địa hình khó khăn, cây trồng chủ yếu là cà phê, hồ tiêu. Thế nhưng, càng khó khăn thì ông lại có thêm động lực để chinh phục.

“Trồng măng cụt vừa là cơ hội, vừa là thách thức với tôi. Tôi quyết định chọn vùng đất đồi, dốc, có tầng canh tác sâu, để xây dựng trang trại. Vì tôi nhận thấy, cây măng cụt là loại cây thuộc nhóm đại mộc, có tuổi thọ 200-300 năm, rễ cây ăn sâu dưới lòng đất sẽ chống xói mòn, hấp thụ nhiều dinh dưỡng và nâng cao năng suất”, ông Đông chia sẻ.

Đó là lý do để ông Đông quyết định đầu tư trồng 10 ha măng cụt trong tổng diện tích 20 ha của cả trang trại gồm nhiều loại cây khác như: Sầu riêng, bơ, cây rừng…

Từ khi đặt nhát cuốc đầu tiên, ông Trần Quang Đông không ngừng theo đuổi ý định sản xuất theo hướng hữu cơ.

Để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2013, ông tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP), sau đó năm 2016, ông tiến tới GlobalGAP.

Đến nay, 10 ha măng cụt của trang trại Gia Ân được cấp chứng nhận GlobalGAP 5 năm liền.

Theo ông Đông, để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đòi hỏi các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đất, môi trường luôn được kiểm tra, thực hiện theo đúng quy trình, ghi chép đầy đủ và đặc biệt chỉ sử dụng những thứ trong danh mục cho phép.

“Cái khó của GlobalGAP không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật mà phải được sắp xếp và ghi chép một cách tỉ mỉ từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản. Đơn giản như ở khâu làm cỏ, không sử dụng thuốc để phun vào cây mà phải sử dụng phương pháp thủ công như cuốc để không bị ảnh hưởng bởi thuốc gây hại, mỗi cây trong vườn đều treo một chai nhựa chứa chế phẩm sinh học để xua đuổi và diệt ruồi vàng…”, ông Đông chia sẻ.

Tháng 7/2020, măng cụt của trang trại Gia Ân được tỉnh Đắk Nông công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Đây là bước ngoặt quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

*Hướng phát triển bền vững

Tỉnh Đắk Nông có độ cao trung bình 600-700 mét so với mặt nước biển, với khí hậu nhiệt đới ẩm, hệ thống đất đai phong phú, đa dạng phù hợp phát triển các loại cây ăn quả.

Cây măng cụt trồng ở Đắk Nông phát triển tốt, cây trồng đúng vụ nhưng lại nghịch tự nhiên, ở miền Tây Nam bộ thường ra vụ tháng 4, nhưng với vườn măng cụt của gia đình ông Đông cho quả từ tháng 6 đến tháng 9.

Ông Đông cho rằng, đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này ưu đãi đối với người trồng măng cụt.

Chính vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế sẵn có, ông không ngừng củng cố thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Măng cụt của trang trại Gia Ân được dán tem truy xuất nguồn gốc có thương hiệu, chất lượng rõ ràng.

Bình quân ông Trần Quang Đông xuất bán ra thị trường khoảng 50-70 tấn/năm, với giá bán trung bình 80 nghìn đồng/kg, trang trại của ông Đông thu về gần 5 tỷ đồng/năm.

“Mỗi năm sản lượng măng cụt của trang trại Gia Ân đều tăng. Chỉ khi hướng tới chế biến sâu, trang trại mới phát triển bền vững. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá cho ngành nông nghiệp chế biến của tỉnh Đắk Nông về mảng cây ăn trái”, ông Đông hào hứng chia sẻ.

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành trong cả nước phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, khiến nhiều nơi bị đóng cửa, việc xuất bán măng cụt đi các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… và xuất khẩu ra nước ngoài của gia đình ông cũng bị đình trệ.

“Đây là khó khăn chung của cả nước, lượng hàng xuất đi hàng ngày của gia đình tôi giảm 1/3 lần so với trước. Nhưng tôi tin tưởng, sản phẩm măng cụt của mình sạch, bảo đảm về kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng thì sản lượng dù nhiều cũng không phải lo lắng. Dùng chất lượng để khẳng định, chất lượng là sự sống còn của trang trại, là uy tín, danh dự…”, ông Đông nhấn mạnh.

Để tăng giá trị nông sản, tìm hướng đi cho trang trại, ông Đông đang hướng tới sản xuất công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ông Đông nuôi quyết tâm xây dựng kho lạnh để trữ hàng và phát triển công nghệ sấy thăng hoa để giữ nguyên vẹn chất lượng dinh dưỡng cho sản phẩm măng cụt.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, măng cụt của trang trại Gia Ân đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhiều năm liền.

Hiện nay, các trang trại đều nâng cao giá trị theo các tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến tập trung xây dựng nhãn hiệu, tem truy suất, đầu tư kho lạnh bảo quản...

Ngành nông nghiệp tỉnh luôn ủng hộ và tạo điều kiện để người nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc thu hút, khuyến khích các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản được tỉnh quan tâm.

Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành chương trình hành động về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, chuyên sâu, có đủ năng lực, sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Đắk Nông khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và với định hướng chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục