Nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp nông thôn Lào Cai lên đến 4.500 tỷ đồng/năm

20:09' - 18/08/2021
BNEWS Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, để có thể xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới.
*Bố trí lồng ghép nguồn lực đầu tư có hiệu quả

13 năm qua, Lào Cai đã huy động được nguồn lực tương đối lớn cho đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2008-2020, tổng nguồn vốn đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 38.999 tỷ đồng, bằng 66% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.
Cụ thể, mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tăng lên rõ rệt, số vốn năm 2020 tăng gấp 6,26 lần so với năm 2008, lên 8.520 tỷ đồng; trong đó, vốn bố trí đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được tỉnh quan tâm bố trí cũng tăng lên, đến năm 2020 vốn bố trí tăng gấp 5,17 lần so với năm 200, khoảng 5.282 tỷ đồng.
Riêng Chương trình Xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai đã huy động vốn tự nguyện đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân được trên 1.850 tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nông thôn.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai Phan Trung Bá, đây là các con số đáng trân trọng thể hiện sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của cộng đồng chung sức trong xây dựng nông thôn mới cũng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, hơn 13.000 tỷ đồng thực hiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020 là một nguồn lực lớn góp phần quan trọng tổ chức lại sản xuất, tạo ra cơ cấu, quy mô hàng hóa lớn, gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Quan trọng là gia tăng thu nhập cho người dân để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Bảo Yên, từ việc thực hiện cơ cấu lại sản xuất đã giúp ngành nông nghiệp chuyển dần sản xuất “số lượng” sang “chất lượng”. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và thực hiện đúng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn ngày càng được triển khai rộng rãi, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, sản xuất từ nhỏ lẻ từng bước chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Các hợp tác xã bước đầu khẳng định được vai trò, cầu nối trong sản xuất và tiêu thụ; kinh tế trang trại, gia trại phát triển cả về quy mô và hiệu quả kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Tô Ngọc Liễn, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế đang đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của người nông dân theo hướng tích cực.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp của Bảo Yên liên tục tăng, đến nay giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 3.003 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp bình quân qua 13 năm đạt gần 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gần gấp 4 lần so với năm 2008, đạt trên 39 triệu đồng/người/năm.
Các nguồn vốn được quản lý, bố trí lồng ghép sử dụng đầu tư có hiệu quả, kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng mở rộng, nâng cao, các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm sản từng bước phát triển, đồng thời đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nông dân từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới bước đầu đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của nhân dân, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, số xã đạt nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng nhanh. Nếu như năm 2008, Lào Cai chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020, tỉnh đã có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí trên xã đạt 15,15 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí.
*Huy động mọi nguồn lực đầu tư

Năm 2030, Lào Cai đặt mục tiêu nông nghiệp của tỉnh thuộc top 15 của miền Bắc và top 10 đến năm 2045. Với mục tiêu trên, nhu cầu về nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lào Cai là rất lớn, giai đoạn 5 năm 2021-2025 dự kiến yêu cầu về nguồn lực cao gấp 1,2 - 1,5 lần, tương đương khoảng 3.500 - 4.500 tỷ đồng/năm để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế; nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ nước ngoài khác dù vẫn được ưu tiên nhưng ngày càng khó huy động. Hơn nữa, điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, rủi ro; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai Phan Trung Bá cho rằng, với sự đồng thuận, hỗ trợ và giúp đỡ của toàn xã hội sẽ tiếp tục tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới, đặc biệt là nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên địa bàn.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân cần chung sức trong sự nghiệp xây dựng nông mới, dần dần chuyển phương châm thực hiện từ “nhà nước và nhân dân cùng làm” sang phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đề ra giải pháp thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu chính phủ cả giai đoạn và hàng năm.

Với Lào Cai, đây được xác định là nguồn lực quan trọng lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương để hoàn thành một số công trình, dự án trên địa bàn vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn.
Về phía Lào Cai sẽ tăng thu ngân sách địa phương bằng cách tiếp tục tạo thêm nguồn vốn từ quỹ đất, thực hiện quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ thúc đẩy các biện pháp huy động nguồn lực từ doanh nghiệp thông qua hình thành thị trường trao đổi, thuê mướn đất canh tác, đất nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về hạn điền  nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh.
Lào Cai cũng sẽ lên kế hoạch tạo cơ chế thúc đẩy người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê đất trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch, hai bên cùng có lợi.

Song song, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp, thuê mặt nước với chính quyền địa phương bằng hình thức chính quyền địa phương nhận ủy quyền của hộ nông dân; giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương tạo quỹ đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án phù hợp với các quy định của pháp luật.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục