Mạnh tay chống hàng giả, hàng nhái

13:53' - 29/11/2019
BNEWS Tại Việt Nam nhiều mặt hàng bị làm giả khiến ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng, uy tín doanh nghiệp giảm sút. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều khó khăn dẫn tới hiệu quả chưa tương xứng.

 Sáng 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) đã tổ chức chương trình lễ kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” và phát động chương trình “Nhịp cầu Thương hiệu – Kết nối thành công” năm 2019.

Ông Lê Thế Bảo-Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, Hiệp hội có chức năng phát động phong trào chống hàng giả, hàng nhái, còn thực thi nhiệm vụ là của các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an…

Hiện nay, tại Việt Nam nhiều mặt hàng bị làm giả khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta bị ảnh hưởng. Từ thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều khó khăn dẫn tới hiệu quả chưa tương xứng.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh, trải qua hơn 14 năm thành năm, Hiệp hội chống hàng giả đã có những đóng góp tích cực vào chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ….Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã gặp không ít khó khăn; trong đó có việc sắp xếp nhân sự.

Vì vậy, Bộ Nội vụ yêu cầu, Hiệp hội nghiêm túc chấn chỉnh và có định hướng sắp xếp lại đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Vừa qua, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Quản lý thị trường với một lực lượng hùng hậu. Đây là xuất phát từ hoạt động thực tiễn, hàng hóa của nước ta đã có sự giao thương rất lớn với các nước trên thế giới do có sự gia nhập các hiệp định thương mại thế giới. Đồng thời, chống sự chồng chéo giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, vấn đề bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và sáng tạo hàng hóa đang là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nhưng, doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của Việt Nam. Nếu không bảo vệ được thương hiệu, không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ thì không doanh nghiệp nào muốn sáng tạo ra những sản phẩm mới… Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình đàm phán trong khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

Ông Vũ Xuân Bính-Đại diện Tổng cục QLTT chia sẻ về việc kiểm tra kiểm soát chống hàng giả hàng nhái của lực lượng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, ông Vũ Xuân Bính – Phòng nghiệp vụ 2 cho hay, trong năm vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 1.49.502 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 12.388 tỷ đồng 709 triệu đồng, khởi tố 1.635 vụ với 1.908 đối tượng. 

Những con số nêu trên thể hiện sự nỗ lực cố gắng của lực lượng quản lý thị trường trong quá trình phòng chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tổ chức triển khai kênh kết nối tới các doanh nghiệp.

Hiện tại lực lượng quản lý thị trường đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến, chỉ trong một thời gian rất ngắn người tiêu dùng có thể ngay lập tức gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng có thể gửi thông tin bằng cách tương tự nếu nghi ngờ sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ ban hành kế hoạch tập trung kiểm tra, kiểm soát các địa điểm tập trung cũng như giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ để có thể đạt được những kế hoạch đã đề ra.

Ông Vũ Xuân Bính cũng chỉ rõ, việc hàng rào pháp lý liên quan tới hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử còn nhiều bất cập, chưa được chặt chẽ. Nhằm ngăn chặn vấn đề giao dịch hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường sẽ có những kiến nghị, đề xuất liên quan tới trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử.

Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Vũ Thị Hồng Vân, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc xác định được xuất xứ các hàng hóa của Việt Nam đang là một mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Thực tế, theo quy định của pháp luật đã có các nghị định, thông tư quy định rất rõ về nguồn gốc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Nhằm giải đáp vấn đề này, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng một thông tư mới liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam.

Điều đặc biệt của Thông tư này là không khiến các doanh nghiệp mất thêm chi phí vận hành cũng như không khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza (Công ty Liên Thái Bình Dương) kiến nghị với các cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn để có chế tài răn đe đối với các đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái. Tràng Tiền Plaza sẽ phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam để đẩy mạnh tuyên truyền tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục