Mạnh tay chống hàng giả trên thương mại điện tử

10:36' - 30/12/2024
BNEWS Lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành công thương nói riêng dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cùng tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử sẽ đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp hơn cho quản lý thị trường.

 

Do đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thời gian qua, thương mại điện tử đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong trong nền kinh tế số. Hiện tại, Việt Nam có hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động trên thương mại điện tử. Thế nhưng, thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở đáng báo động cho việc buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, kém chất lượng.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ- Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Thực tế cho thấy, vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng môi trường này để kinh doanh hàng cấm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử.... với nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh qua thương mại điện tử có xu hướng tăng cao nên 63/63 Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động thành lập tổ thương mại điện tử để nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, tham mưu cũng như thực hiện biện pháp nghiệp vụ.

Theo đó, năm 2024 toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm, tăng 266% so với năm ngoái; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng, tăng 220%; trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng, tăng 440% so với năm 2023.

Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được lực lượng xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Cụ thể như vụ triệt phá kho hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng kinh doanh qua mạng xã hội với trị giá hàng hóa trên 20 tỷ đồng tại Hà Nội hay vụ việc phát hiện đối tượng kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 7,3 tỷ đồng tại Tp. Hồ Chí Minh...

“Những kết quả này là minh chứng điển hình cho sự nỗ lực của lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiến tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Hành vi vi phạm chủ yếu là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Ngoài ra, các trang thương mại điện tử, tài khoản thường sử dụng hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã có mặt tại Tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất và tạm giữ trên 10.000 chai nước hoa nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… Tất cả số hàng hoá này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được bán livestream trên nền tảng mạng xã hội; trong đó, có tài khoản của TikToker Phan Thủy Tiên.

Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok qua đó, phát hiện 617 vụ vi phạm, phạt 9,6 tỷ đồng và trị giá tang vật khoảng 3,6 tỷ đồng.

“Điển hình là vụ Mailystyle, lực lượng phối hợp kiểm tra dấu hiệu vi phạm trên thương mại điện tử với A05. Ngay thời điểm kiểm tra thu giữ tổng số tiền hàng hơn 20 tỷ đồng và 126.000 sản phẩm. Đây là vụ việc rất lớn và hồ sơ đang chuyển lên cơ quan công an để kiểm tra”, ông Chu Xuân Kiên thông tin.

Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả mà lực lượng quản lý thị trường đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những hạn chế trong chống hàng giả trên thương mại điện tử vẫn chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống. Mặt khác, số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế diễn ra trên thị trường. Việc kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Năm 2025, lực lượng cần tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên nền tảng số. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Năm 2025, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; đẩy mạnh số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, chủ động nắm vững diễn biến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện và xử lý vấn đề nổi cộm, mặt hàng vi phạm mới nổi.

"Việc này góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam", ông Trần Hữu Linh bày tỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục