Mặt bằng cho thuê vẫn ế ẩm dù giá giảm và khuyến mại nhiều

16:56' - 29/10/2021
BNEWS Mặt bằng cho thuê tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn ế ẩm dù giá cho thuê đã được chủ đầu tư hoặc chủ nhà giảm giá, khuyến mãi theo nhiều hình thức.

*Khuyến mãi, giảm giá vẫn chẳng thể thu hút khách

Nằm ở vị trí đắc địa ngay góc phố Hàng Trống và Nhà Thờ lớn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cửa hàng massga chân của chị Linh đã đóng cửa suốt từ tháng 2/2020 đến nay. 

Chị Linh cho biết đã thuê căn nhà này hơn 10 năm để làm dịch vụ massage chân cho khách du lịch nước ngoài. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mặc dù tiền thuê nhà là 2.500 USD/tháng nhưng chị vẫn kinh doanh rất hiệu quả vì khách du lịch nước ngoài theo tour rất đông. 

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khách du lịch nước ngoài không thể vào Việt Nam, cửa hàng đành phải đóng cửa vì nếu chỉ làm dịch vụ này cho khách Việt Nam sẽ không thể trụ được ở mặt phố lớn như Hàng Trống.  

Mặc dù chủ nhà đã miễn phí toàn bộ tiền thuê trong gần 2 năm qua và chị Linh chỉ tự nguyện trả một số tiền tượng trưng bằng giá tiền thuê kho chứa hàng nhưng cuối cùng chị Linh cũng phải quyết định đóng cửa hàng và trả lại mặt bằng cho chủ nhà.

Chị Linh cho biết, sau gần 2 năm đóng cửa và chờ đợi, cho dù Hà Nội đã hết giãn cách và tình hình dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát nhưng với diễn biến dịch bệnh chung trên thế giới như hiện nay, sẽ phải mất vài năm nữa thì du lịch quốc tế mới được khôi phục và khách quốc tế mới trở lại Việt Nam đều như trước đại dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, trả lại mặt bằng để bảo toàn vốn kinh doanh sẽ an toàn hơn, chị Linh chia sẻ.

Còn chủ căn nhà trên phố Hàng Trống này cũng cho biết, bà sẵn sàng miễn phí tiền thuê nhà đến hết năm nay để chủ cửa hàng massage chân có thể yên tâm kinh doanh nhưng với khó khăn của chị Linh, gia đình bà sẽ phải chấp nhận cho một người thuê khác bán quần áo với diện tích sử dụng 2/4 tầng và với giá giảm chỉ bằng 1/2 giá mọi khi. Phần diện tích 2 tầng trên cùng còn thừa, bà sẽ về ở để tiện quản lý, đồng thời cho thuê căn hộ đang ở để bù đắp nguồn thu bị mất trong suốt 2 năm vừa qua.

Trong khi đó, chủ căn nhà 40 m2 trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết, căn nhà 4 tầng có tổng diện tích sử dụng 160m2 đăng thông tin cho thuê từ tháng 5/2021 đến nay cũng chưa tìm được khách.

Giá cho thuê trước đây là 50 triệu đồng/tháng nay phải chấp nhận giảm xuống 30 triệu đồng/tháng. Đồng thời chấp nhận phương án thu tiền theo tháng cho đến khi dịch bệnh ổn hẳn nhưng cũng chưa cho thuê được. 

Thực tế là, nhiều chủ nhà cho thuê mặt bằng trên phố lớn như Hàng Bông, Hàng Gai… đã treo biển khuyến mãi, giảm giá sâu nhưng những ngày này đi qua các con phố đó vẫn có thể nhận thấy nhiều nhà vẫn tiếp tục cửa đóng, then cài.

*Điều chỉnh phương thức thanh toán thêm nữa

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. 

Nhìn nhận về thị trường bất động sản cho thuê hiện nay, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, các sàn thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố, tuy nhiên, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh. 

Theo bà Minh, trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến. Thị trường Việt Nam cũng có những diễn biến tương tự. 

Vì vậy, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong giai đoạn quý IV/2021 đến quý II/2022 sẽ tập trung ở các phân khúc trung và cao cấp, với nhóm mặt bằng nhà hàng, ăn uống; cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm mỹ phẩm của khách hàng; cửa hàng thời trang của nước ngoài; mặt bằng cho vui chơi giải trí và các sản phẩm cho mẹ và bé.

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiêp, người kinh doanh phải đóng cửa quá dài nên tài chính khó khăn. Vì vậy, các chủ nhà mặt phố cần hỗ trợ khách thuê với tiến độ thanh toán tiền thuê linh động hơn, đảm bảo giấy phép đăng ký kinh doanh cho mặt bằng, cũng như chấp nhận các điều khoản thuê trong hợp đồng theo yêu cầu của nhãn hàng nước ngoài, thay vì cứng nhắc trong việc cho thuê mặt bằng như trước đây.

Theo đó, các chủ nhà hoặc chủ đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ có thể phải điều chỉnh phương thức thanh toán hàng tháng (thay vì 6 tháng/lần đối với nhà phố và 3 tháng/lần đối với trung tâm thương mại), giá thuê có thể giảm giá 20%-30% vào năm đầu và bù giá vào các năm sau của hợp đồng thuê để giảm tải áp lực tài chính cho đơn vị kinh doanh giai đoạn mở cửa. Các ưu đãi khác về chỗ đỗ xe, biển hiệu quảng cáo cũng là các yếu tố quan trọng. 

Sau giai đoạn này, các mặt bằng tại khối đế bán lẻ khu chung cư và trung tâm thương mại sẽ được chuộng hơn so với nhà phố do tiện ích của tổng khu mang lại.

Trong vòng 1 năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến nhà hàng ăn uống vào thị trường Việt Nam. 

Đây là tín hiệu tốt đối với chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê, nhưng đồng thời cũng là sức ép với doanh nghiệp nội về mặt cạnh tranh. 

Đáng chú ý, COVID-19 không làm thay đổi nhu cầu ăn uống của người dân TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặc dù tiện ích về giao hàng tại nhà đang được tận dụng tối ưu, trải nghiệm ăn uống tại chỗ vẫn được ưu tiên, và người tiêu dùng vẫn đều mong muốn sớm được mở cửa để có thể ra ngoài. 

Vì vậy, bài toán kinh doanh sẽ nằm ở khả năng kiểm soát tình hình tài chính của doanh nghiệp, và hỗ trợ tối ưu về tiền thuê của chủ nhà để khách thuê doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn COVID-19, thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được tự do mở cửa, bà Minh khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục