Mật ong Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU còn thấp

14:34' - 01/11/2017
BNEWS Thị trường EU vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong quản lý và giám sát dư lượng hóa chất quy định đối với sản phẩm mật ong xuất khẩu vào EU và được cho phép nhập khẩu vào thị trường này từ tháng 3/2013.

Tuy nhiên, đến nay thị trường EU vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Mật ong Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường EU là còn tồn tại một số rào cản về quản lý chất lượng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU” do Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP), ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/11.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2017, sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 29.000 tấn, trong đó thị trường EU chỉ có 1.469 tấn.

Theo phân tích của ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ngoài vấn đề đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng là yếu tố quyết định và cho thấy khả năng cạnh tranh của mật ong Việt Nam trên thị trường quốc tế nói chung, thị trường EU nói riêng.

Chất lượng sản phẩm mật ong xuất khẩu được xem xét ở các quy định như lượng đường, nước, tinh chất...

Hiện tại, Việt Nam nằm trong "danh sách nước thứ ba", điều này có nghĩa Việt Nam đã thành lập các hệ thống theo dõi dư lượng và có thể thực hiện ngăn ngừa việc xuất khẩu mật ong kém chất lượng, không phù hợp với các yêu cầu của EU một cách khá tốt.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu mật ong của Việt Nam từ các đối tác EU là rất lớn, mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và các nhà xuất nhập khẩu.

Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra đối với mật ong Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường EU là còn tồn tại một số rào cản về quản lý chất lượng. Đặc biệt, đảm bảo các quy định kỹ thuật trong thu hoạch và chế biến, tuân thủ các quy định của thị trường cũng như yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã và đang thực thi các chương trình tái cơ cấu ngành, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để xúc tiến và giúp sản phẩm mật ong Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU, điều cần tập trung là cải thiện quy trình chăn nuôi, bảo quản, đóng gói...Theo đó, doanh nghiệp là nhân tố nòng cốt trong nâng cao kiến thức và nhận thức đối với việc xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm và nâng tầm thương hiệu mật ong Việt Nam.

Phân tích cụ thể, ông Đinh Quyết Tâm, Phó Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần giải quyết các thách thức về chất lượng trong sản xuất chế biến mật ong, gồm: thủy phần (moisture), nấm men (yeat), dư lượng thức ăn (feed residue), màu mật ong (colour)...

Song song đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà xuất nhập khẩu cần nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết về chất lượng và xu hướng thị trường như ưa chuộng các dòng sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ... để đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng tại thị trường EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục