Mexico đề xuất kế hoạch chống lạm phát chung với Mỹ

11:21' - 25/06/2022
BNEWS Theo Tổng thống Mexico, biến động giá cả trên toàn cầu do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến cả Mexico và Mỹ. Do đó, hai bên cần hợp tác tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 24/6 tuyên bố, ông sẽ đề xuất với người đồng cấp Mỹ Joe Biden một kế hoạch chống lạm phát chung cho cả hai quốc gia vốn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ.
Phát biểu họp báo trước thềm chuyến thăm Washington vào tháng Bảy tới, nhà lãnh đạo Mexico bày tỏ tin tưởng rằng đề xuất của ông sẽ được đón nhận.

 

Theo Tổng thống López Obrador, kế hoạch này sẽ gồm ba nội dung chính: năng lượng, thúc đẩy sản xuất và thỏa thuận với các nhà phân phối nhằm kiềm chế đà lạm phát. Ông López Obrador cho biết nhiều biện pháp trong số này đã được triển khai ở Mexico. 
Trong một cuộc họp báo trước đó, Tổng thống Mexico nhận định biến động giá cả trên toàn cầu do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến cả Mexico và Mỹ. Do đó, hai bên cần hợp tác tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

Tổng thống Mexico khẳng định hai nước có nhiều lựa chọn để tăng cường hội nhập kinh tế, tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực lương thực, năng lượng và lao động.
Ngày 23/6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) đã nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 7,75% - mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mục tiêu của động thái trên là nhằm đối phó với tỉ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 21 năm là 7,78% ghi nhận vào nửa đầu tháng 6/2022.
Quyết định của Banxico nằm trong dự báo của thị trường, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra chính sách tương tự. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo lãi suất tham chiếu 7,75% có thể “hạ nhiệt” hơn nữa nền kinh tế vốn đã suy yếu của Mexico.

Giới chuyên gia nhận định, nếu gặp một “cú sốc” mới, hoặc nếu Fed tăng lãi suất thêm 100 điểm phần trăm, Banxico có thể buộc phải “nối gót” và nâng lãi suất cơ bản lên mức 2 con số. Kịch bản đó khiến nguy cơ sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở nên trầm trọng hơn.
Nền kinh tế Mexico vẫn trì trệ và chưa hồi phục về mức trước đại dịch. Năm ngoái, GDP của nước này tăng 4,8% sau mức giảm kỷ lục 8,5% trong năm 2020. Vào đầu tháng này, Banxico đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 2,4% xuống còn 2,2% cho năm nay và từ 2,9% xuống còn 2,4% trong năm 2023./.

>>>Mexico tăng lãi suất mạnh nhất trong 14 năm qua


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục