Mexico sản xuất được dầu diesel sinh học rẻ nhất thế giới từ phế thải

12:31' - 01/07/2017
BNEWS Các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị Pueblo của Mexico đã sản xuất thành công dầu diesel sinh học từ dầu rán cháy phế thải, với giá thành rẻ nhất thế giới khi giảm đến 90%.

Một nhà máy thí điểm đã được xây dựng để sản xuất loại dầu diesel sinh học này. Giá thành 1 lít nhiên liệu sinh học mới chỉ là 3 peso Mexico, trong khi đó giá trên thị trường quốc tế lên đến 20 peso (1 USD)/lít..

Các chuyên gia Phòng Thí nghiệm về chất xúc tác và năng lượng thuộc Viện Khoa học Mexico cho biết đây là nhà máy duy nhất trên thế giới có thể sản xuất ra loại khí đốt thân thiện với môi trường với giá siêu rẻ.

Nhà máy thí điểm bao gồm 2 lò phản ứng, lò đầu tiên là để cho dầu phế thải vào để tiến hành quá trình phản ứng xúc tác và lò thứ 2 dùng làm sạch và sấy khô nhiên liệu thu được từ lò phản ứng thứ nhất.

Kết hợp với việc sử dụng một hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời để đun nóng nước và tạo ra điện năng dùng trong quá trình sản xuất, cùng với việc áp dụng một loạt cơ chế kiểm soát và hỗ trợ, tạo ra một quá trình sản xuất an toàn, tiết kiệm và bền vững.

Để tìm ra chất xúc tác dùng để biến đổi dầu rán phế liệu thành nhiên liệu - một loại nhiên liệu sinh học có phản ứng an toàn và tiết kiệm hơn chứ không phải bất kỳ loại nhiên liệu nào - các nhà khoa học đã phải mất hơn 5 năm nghiên cứu, lặp đi lặp lại quá trình thí nghiệm nhiều lần mới có thể tạo ra được chất xúc tác phù hợp.

Ngoài ra, để có được sản phẩm giá thành rẻ, các nhà nghiên cứu đã chọn dầu rán cháy phế thải, có thể xin không mất tiền ở các nhà hàng, khách sạn hoặc các gia đình địa phương, để tái sử dụng. Mặt khác, các nhà khoa học còn nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời để thay thế điện trong sản xuất dầu diesel sinh học tránh được các vấn đề về an toàn và môi trường, giảm chi phí sản xuất.

Các thử nghiệm tiến hành đã cho thấy dầu diesel sinh học chiết xuất từ dầu rán phế tải của nhà máy đảm bảo an toàn và phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn đề ra và sáng chế này có thể coi như là một dự án chuyển giao công nghệ phù hợp với tình hình hiện nay, khi các nguồn khí đốt trên thế giới đang dần cạn kiệt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục