Mexico vẫn đối mặt với mối đe dọa thuế quan từ Mỹ

05:00' - 21/06/2019
BNEWS Mối đe dọa thuế quan của Mỹ đối với Mexico vẫn đang hiện hữu và sẽ có những tác động đối với vấn đề mấu chốt của Mexico, cũng như nỗ lực củng cố quyền lực của chính quyền nước này.
Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng Stratfor đăng bài viết nhận định rằng thỏa thuận của Mexico nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư từ Trung Mỹ vào Mỹ đã làm chệch hướng nguy cơ Nhà Trắng áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn xung quanh kế hoạch trừng phạt Mexico vì đã không thực hiện cam kết của mình theo thỏa thuận để chiều lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục tồn tại. 

Chi tiết về thỏa thuận ngày 7/6/2019 với Chính phủ Mexico nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp về phía Bắc qua biên giới Mexico-Guatemala bao gồm cả cam kết của Chính phủ Mexico điều 6.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia đến biên giới làm nhiệm vụ củng cố an ninh ở khu vực này.

Những binh sĩ này sẽ được bổ sung vào lực lượng gồm hàng nghìn cảnh sát liên bang, binh lính và cảnh sát bang đã và đang làm nhiệm vụ ở đó. Mexico cũng đã nhất trí về việc tiếp nhận những người di cư xin tị nạn ở Mỹ trong khi chờ đơn xin tị nạn của họ được xem xét.

Một báo cáo riêng biệt chưa được xác nhận khẳng định rằng Mỹ sẽ dẫn đầu nỗ lực cải cách luật tị nạn ở Mexico cũng như giữa các nước Trung Mỹ để đưa người di cư trở lại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến trên hành trình di cư về phía Bắc. Trên thực tế, chính sách này sẽ buộc Mexico và Guatemala phải chịu trách nhiệm đối với hàng chục nghìn người nước ngoài.

Nhưng cả hai nước đều không có sự chuẩn bị để đối phó với làn sóng nhập cư này, và việc cung cấp chỗ ở cho người di cư trong điều kiện nhân đạo sẽ đòi hỏi phải có nguồn vốn tài trợ nhiều hơn mức mà chính phủ nước họ hiện đóng góp cho việc kiểm soát tình trạng nhập cư.

Một vài khía cạnh của thỏa thuận này, như việc Mexico triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia và tiếp nhận thêm người tị nạn, dường như đã được thảo luận trước đó. Ngày 10/6, Tổng thống Trump tuyên bố những khía cạnh khác của thỏa thuận sẽ sớm được tiết lộ và thỏa thuận có thể bao gồm cả những nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội Mexico phê chuẩn đề xuất để Mexico tham gia các “hoạt động trên quy mô lớn” chống lại nạn di cư.

Lượng người di cư - đặc biệt là từ Trung Mỹ - qua Mexico vào Mỹ đã tăng lên đáng kể trong 18 tháng qua. Hồi tháng 5/2019, hơn 100.000 người đã bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ tại biên giới với Mexico, con số lớn nhất tính theo tháng trong gần 1 thập kỷ qua.

Các cuộc đàm phán dẫn đến tuyên bố về thỏa thuận dường như đã làm rõ rằng Nhà Trắng sẽ chỉ cho rằng Mexico tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận nếu số lượng các vụ bắt giữ người di cư qua biên giới Mỹ-Mexico giảm xuống còn 20.000 vụ/tháng, con số ghi nhận được lần cuối cùng quanh thời điểm ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2017. Trong những thập kỷ trước, số người nhập cư trái phép luôn lớn hơn nhiều.

Chính quyền Tổng thống Trump và Chính phủ Mexico đều tập trung vào việc củng cố biên giới phía Nam của Mexico với Guatemala, điểm nút đối với những người từ Trung Mỹ di cư về phía Bắc, thay vì hành động dọc khu vực biên giới Mỹ-Mexico dài hơn nhiều.

Những kẻ buôn lậu đưa người di cư dọc theo các tuyến quốc lộ từ Guatemala, trong khi đó những người di cư thường di chuyển thành nhóm, với số lượng lớn đến mức mà giới chức trách khó có thể kiểm soát một cách hiệu quả. 

Mặc dù Mexico có thể điều thêm binh sĩ tới biên giới để tăng cường an ninh ở khu vực này, nhưng thay vào đó họ lại điều Vệ binh quốc gia - lực lượng an ninh gồm các quân nhân dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Nội vụ. Điều đó có lẽ là vì việc sử dụng các lực lượng quân sự để bắt giữ và xua đuổi người Trung Mỹ sẽ vấp phải sự chỉ trích ở trong nước và đối mặt với những thách thức pháp lý.

Lực lượng Vệ binh quốc gia Mexico hiện đã triển khai được khoảng 6.000 binh sĩ, nhưng đã có các kế hoạch luân chuyển đủ quân số từ lực lượng lục quân và hải quân của nước này để xây dựng một lực lượng gồm 80.000 quân vào năm 2020. Đợt triển khai này đến Guatemala có thể sẽ đòi hỏi một lực lượng đáng kể mà Mexico dự định triển khai trong thời gian còn lại của năm, và có thể tranh giành sự quan tâm với các ưu tiên an ninh trong nước khác. 

Khi Mexico gia tăng các hoạt động củng cố an ninh ở biên giới phía Nam, những kẻ buôn lậu có thể sẽ phản ứng bằng cách nâng giá đưa người di cư qua các trạm kiểm soát an ninh. Các nhóm tội phạm có tổ chức đưa người di cư qua các trạm kiểm soát sẽ điều chỉnh chiến thuật buôn lậu bằng việc tìm kiếm các lộ trình thay thế hoặc hối lộ các lực lượng an ninh để được đi qua. 

Những động thái của Mexico nhằm tăng cường an ninh biên giới có thể làm giảm dòng người di cư, ít nhất là tạm thời, nhưng khi những kẻ buôn lậu điều chỉnh chiến thuật của mình, những động thái bổ sung đó có lẽ vẫn sẽ không đủ để đáp ứng mục tiêu của Nhà Trắng là làm giảm đáng kể tình trạng nhập cư trái phép trong dài hạn. 

Sự bất ổn do động cơ chính trị ở Honduras trong vài tháng tới cũng có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái và làm gia tăng lượng người nhập cư vào Mexico trong thời gian còn lại của năm. Tình trạng phạm tội, hạn hán và đói nghèo ở khu vực sẽ tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy người dân ở đây di cư.

Nếu Nhà Trắng cho rằng Mexico không đáp ứng được những yêu cầu của Mỹ, thì họ sẽ tiếp tục đe dọa áp thuế trong tương lai gần. Các cuộc đàm phán định kỳ về mức thuế mà Mỹ có thể áp đặt cho Mexico không chỉ khiến các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng của họ ở cả hai phía biên giới rơi vào tình trạng không chắc chắn, mà còn khiến cho tương lai chính trị của ban lãnh đạo Mexico trở nên mờ mịt. 

Mỹ đã làm rõ với Chính phủ Mexico rằng nước này mong đợi được chứng kiến kết quả giải quyết vấn đề di cư trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố Mỹ chỉ cho Mexico thời hạn 45 ngày để đưa ra kết quả. Dù thế nào đi nữa, sức ép về thời gian đồng nghĩa với việc vấn đề thuế quan có thể sớm xuất hiện trở lại.

Trong suốt tiến trình này, Mỹ sẽ lựa chọn biện pháp trừng phạt Mexico bằng thuế quan trong bất cứ thời điểm nào. Và cho dù cuối cùng hai bên có đạt được một thỏa thuận xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ áp thuế, thì sự không chắc chắn mà tình hình này gây ra sẽ có tác động khủng khiếp đến một số dự án đầu tư ở Mexico.

Những công ty có các chuỗi cung ứng trải dài vào sâu bên trong lãnh thổ Mexico tạo ra sản phẩm cho thị trường của Mỹ sẽ thận trọng với việc đổ thêm tiền vào một nước mà hàng hóa của họ có thể sớm trở thành mục tiêu áp thuế ở mức lớn hơn rất nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục