Mía đường trước sức ép hội nhập: "Làm mới" cây mía Lam Sơn

12:51' - 25/04/2018
BNEWS Nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất mía, các vùng mía Thanh Hóa đang hướng đến phát triển vùng nguyên liệu theo cánh đồng lớn.

Một số địa phương trong tỉnh đã nhân rộng mô hình cánh đồng mía lớn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, mang lại hiệu quả cao, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

các vùng mía Thanh Hóa đang hướng đến phát triển vùng nguyên liệu theo cánh đồng lớn. Ảnh: TTXVN

Có mặt tại "thủ phủ" mía đường Lam Sơn, chúng tôi được tham quan những cánh đồng mía trải dài, xanh ngút tầm mắt của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco). Những ngày này, trên cánh đồng mía lớn, hàng trăm hécta mía được trồng, chăm sóc theo mô hình mới đang hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Vùng Lam Sơn hiện đang có khoảng 50 mô hình thâm canh cao theo phương thức cánh đồng mía lớn với diện tích mỗi mô hình từ 10-30 ha trở lên. Công ty Lasuco sở hữu hàng nghìn hecta vùng nguyện liệu trồng mía, các khu chế xuất và dùng công nghệ cao để cho ra đời những giống mía mang chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã phối hợp chọn tạo được hai giống mía mới và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thực là LS1 và LS2.

Đồng thời, phục tráng thành công các giống ROC 10, MY 55-14; tổ chức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, hàng năm sản xuất từ 3-4 triệu cây giống. Điều này đáp ứng cung cấp giống cho gần 4.000 ha trồng mới, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% diện tích mía toàn vùng được trồng bằng giống mía chất lượng cao, đưa năng suất mía đạt mức bình quân từ 80 tấn/ha trở lên.

Đặc biệt, Công ty đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở cho chương trình giống mía nuôi cấy mô sạch bệnh đến năm 2020; trong đó, vụ mía 2017-2018 công ty đã trồng được 500 ha mía mô hình thâm canh bằng nuôi cấy mô sạch bệnh có năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, vụ Hè Thu 2017 đã trồng được 380 ha mía giống từ giống nuôi cấy mô sạch bệnh.

Như vậy, nguồn giống mới đã chuẩn bị đến vụ 2018-2019 đảm bảo trồng trên 3.000 ha mía, chiếm 75% diện tích trồng mới toàn vùng, đến năm 2019-2020 vùng mía sẽ được phủ 100% giống mía nghiên cứu mô sạch bệnh. Đây cũng chính là giải pháp tiên quyết trong thực hiện chương trình "Làm mới cây mía Lam Sơn".

Năm 2018-2019 Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đang tiếp tục thực hiện lộ trình mục tiêu và các giải pháp mang tầm chiến lược mà dự án "Làm mới cây mía Lam Sơn" đã đề ra. Đó là phát triển bền vững, ổn định diện tích 13.000 ha mía, tập trung xây dựng 200 cánh đồng lớn với tổng diện tích từ 2.000 ha trở lên

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lasuco cho hay, niên vụ 2017-2018, Lasuco đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là trận lụt lịch sử hồi tháng 10/2017 là cho hơn 30% diện tích mía đã đến lúc vào vụ thu hoạch bị ngập úng, công ty phải bỏ ra hơn chục tỷ đồng để cứu trợ người trồng mía để ổn định đời sống. Thị trường đường trong nước ảm đạm, tồn kho tăng, giá giảm sâu, tâm lý người mua chờ ăn đường giá rẻ khi Hiệp định tự do thương mại ASEAN có hiệu lực, cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khối ASEAN đặc biệt là Thái Lan...

Trước những khó khăn trên, Công ty Lasuco đã không ngừng đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu thích ứng, khắc phục giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại sản xuất, tái định vị thương hiệu.

Phát huy thế mạnh truyền thống hợp tác liên kết sâu giữa công ty - địa phương - nông dân trồng mía - doanh nghiệp bạn, Công ty Lasuco đã tổ chức lại vùng mía, tập trung quy mô lớn hơn xây dựng 40 hợp tác xã kiểu mới, phát triển ổn định vùng mía thâm canh công nghệ cao, triển khai hiệu quả dự án "Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn".

Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường theo định hướng hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ cây mía và các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao đến người tiêu dùng.

Chiến lược của Lasuco đặt ra đến năm 2020 đạt doanh thu trên 5.000 tỷ đồng, 50% tổng diện tích vùng nguyên liệu là những cánh đồng mía lớn. Từ 30.000 hộ trồng mía hiện nay sẽ giảm xuống trên 10.000 hộ và tiến tới chỉ còn 2.000 hộ. Mỗi hộ phải có 5 ha mía để có thể cơ giới hóa sản xuất; tăng năng suất lên 50%, chất lượng lên 20% so với hiện nay.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, từ vụ mía 2016-2017 đến nay, Nhà máy mía đường Lam Sơn đã thực hiện 4 chính sách hỗ trợ phát triển cây mía theo chương trình tái cơ cấu của tỉnh với tổng giá trị hoàn thành quyết toán là 6,42 tỷ đồng để sản xuất 1 triệu cây giống nuôi cấy mô cấp G1, khảo nghiệm giống mía LS1, xây dựng 280 ha hệ thống tưới mía mặt ruộng, mua máy thu hoạch mía...

Ngoài ra, Nhà máy mía đường Lam Sơn đã đầu tư trên 160 tỷ đồng xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đất chuyển đổi sang trồng mía, hỗ trợ mô hình cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ mô hình thâm canh, hỗ trợ chi phí giao thông nội đồng...

Ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng hiệu quả cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu sản xuất mía nguyên liệu, phát triển diện tích mía có tưới, Lasuco không ngừng nghiên cứu, đưa nhanh các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương ban hành các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nông dân, đơn vị phát triển cây mía nguyên liệu.

Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, hiện diện tích cánh đồng mía lớn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 2.626 ha với 146 cánh đồng (cao hơn 944,7 ha so với cùng kỳ); trong đó, vùng mía nguyên liệu của nhà máy đường Lam Sơn có diện tích lớn nhất, năng suất cao nhất và cũng là vùng được đầu tư nhiều nhất.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ có những đề xuất, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ban, ngành Trung ương sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về mía đường.

Qua đó, định hướng mục tiêu phát triển mía đường bền vững, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vùng phát triển mía đường như: hỗ trợ xây dựng, nâng cấp giao thông, thủy lợi vùng mía, áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía và chính sách đất đai để phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung…

Để ổn định diện tích, phát triển cây mía nguyên liệu, niên vụ 2018-2019, các địa phương, các công ty mía đường trong tỉnh đang tập trung phát triển cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía nguyên liệu thông qua hình thức tập trung, tích tụ đất đai như: chuyển nhượng đất, thuê đất, liên kết góp đất thông qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác để tạo ra cánh đồng lớn áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết 4 nhà; trong đó, các công ty mía đường là nòng cốt thực hiện liên kết với nhà khoa học để đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các công ty mía đường thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; nhà nông trực tiếp sản xuất ra sản phẩm khi được nhà khoa học tư vấn về kỹ thuật; Nhà nước là trung gian giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện, triển khai sản xuất theo quy hoạch và có cơ chế, chính sách phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững…

Rời vùng mía Lam Sơn trong một chiều nắng đẹp, ánh chiều rực rỡ dần buông xuống trên những rặng mía xanh ngút tầm mắt hứa hẹn một vụ mía bội thu cho bà con nông dân xứ Thanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục