Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng: * Bài 2: Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện mô hình

13:54' - 09/10/2022
BNEWS Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 1 năm thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai.

Thành phố đã linh hoạt vận dụng một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đồng thời có những kiến nghị lên các cấp, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị trong tương lai.

* Khó khăn, vướng mắc phát sinh

Sau hơn 1 năm triển khai mô hình chính quyền đô thị, chính quyền một số địa phương cho rằng, vướng mắc lớn nhất là những phát sinh khi UBND các quận, phường chuyển từ một cấp ngân sách sang đơn vị dự toán ngân sách.

Việc này dẫn đến địa phương không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, khi phát sinh khoản chi ngoài dự toán như dịch bệnh, thiên tai, nhiệm vụ đột xuất… phải chờ thành phố xem xét bổ sung.

Theo báo cáo của UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), số lượng phân bổ dự toán chi thường xuyên cho phường trong năm 2022 là 16,1 tỷ đồng, giảm nhiều so với bình quân các năm trước (năm 2020 là 28,9 tỷ đồng; năm 2021 là 24,2 tỷ đồng).

Khi thành đơn vị dự toán, phường không có nguồn tăng thu được trích lại để chủ động xử lý các sự việc phát sinh, khẩn cấp. Phường đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách bổ sung kinh phí ngoài dự toán, có quy định cụ thể về hỗ trợ chi động viên, khen thưởng cho công tác thu thuế, chống nợ đọng…

Ông Lê Thành Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho rằng, định mức chi các sự nghiệp y tế 50 triệu đồng/năm, chi sự nghiệp môi trường 183 triệu đồng/năm của phường như hiện nay là quá thấp để đảm bảo công tác (phường rộng gần 8 km2, dân số đông gần 70 ngàn người).

Bên cạnh đó, mức khoán kinh phí hoạt động năm 2022 đối với cán bộ phường là hơn 43 triệu đồng/người/năm, mức khoán này bao gồm cả chi mua sắm tài sản dùng riêng cho từng đơn vị và chi thu nhập tăng thêm hàng tháng nhằm bù lương cho 14 cán bộ không chuyên trách phường.

Để đảm bảo kinh phí hoạt động, phường đề nghị thành phố xem xét nâng định mức chi hoạt động hành chính đối với đội ngũ cán bộ phường hàng năm tăng thêm 10%; tách bổ sung riêng phần kinh phí bù lương cho cán bộ không chuyên trách, kinh phí mua sắm tài sản…

Để tạm thời khắc phục các hạn chế, khó khăn, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho biết thành phố thực hiện một số giải pháp: HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND, quy định phân bổ chi khác ngân sách cho quận, phường bằng 4% trên tổng các khoản chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh (bao gồm cả kinh phí khen thưởng).

HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định xem xét hỗ trợ không quá 30% số tăng thu ngân sách của từng quận theo quy định tại điều 59 Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tạo động lực để các quận, phường phấn đấu thực hiện quản lý thu ngân sách Nhà nước.

Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, thực tế quá trình quản lý Nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân.

Để giải quyết khó khăn này, quận Liên Chiểu đề nghị trước mắt nâng định mức phân bổ chi khác, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường… lên cao hơn, có thể chi khác lên 10%. Về lâu dài, thành phố nên có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và cơ quan Trung ương liên quan về việc giao cơ chế “đặc thù hơn cho Đà Nẵng” để có thể tổ chức mô hình đô thị tốt nhất.

* Những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện mô hình

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng Trần Trung Sơn, thực tiễn thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 còn phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, cần các cấp Trung ương nghiên cứu, cho ý kiến, hướng dẫn thêm.

Thành phố đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; tăng thêm số lượng ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND thành phố. Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân của Chủ tịch UBND quận, phường. 

Vấn đề quản lý biên chế, công chức phường, thành phố kiến nghị thống nhất chung về chế độ công vụ đối với cán bộ tại phường; bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị ở phường cũng như trong công tác cán bộ giữa quận - phường. Đối với những phường đông dân cư (60-70 nghìn dân), thành phố đề xuất có cơ chế được bố trí tăng thêm biên chế công chức làm việc tại UBND phường.

Thành phố Đà Nẵng đề nghị được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, đề xuất cho HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ).

Về quản lý tài chính ngân sách, Đà Nẵng kiến nghị Trung ương quan tâm hướng dẫn thêm các giải pháp khắc phục khó khăn mà thành phố đã thực hiện: Nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để quận, phường chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương; bố trí quỹ thi đua khen thưởng đối với đơn vị dự toán là quận, phường; phân bổ dự toán bằng hình thức lệnh chi tiền cho các cơ quan khối Đảng.

Đồng thời, thành phố kiến nghị xem xét quy định bố trí tỷ lệ dự phòng ngân sách cho các quận để đảm bảo chủ động sử dụng chi theo các nội dung quy định tại Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã rất nỗ lực triển khai và đạt kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đạt được mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở đảm bảo quy định pháp luật.

Thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai và đánh giá hiệu quả Đề án phân cấp, ủy quyền để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị nghiên cứu nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước để tham mưu, đề xuất UBND thành phố.

Các sở, ngành phối hợp triển khai nội dung chuyển đổi số gắn với ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp./.

Xem thêm:

>>Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng: * Bài 1: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục