Mô hình quản lý minh bạch tài sản công của Pháp

14:59' - 05/07/2022
BNEWS Trong những năm gần đây, tại Pháp việc quản lý tài sản công ngày càng được chú trọng và thường xuyên được gắn với các mục tiêu minh bạch tài sản và chống tham nhũng.

Những thay đổi này đến từ kỳ vọng ngày một cao của người dân đối với hệ thống chính trị nước Pháp.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris, bà Nga Nguyen-Baudn, Tiến sỹ Luật, Đoàn Luật sư Paris, và bà Joelle Nguyen Duy Tan, Tiến sỹ - giảng viên Đại học Luật Paris, cho biết hiện nay Pháp có nhiều khuôn khổ pháp lý nhằm thực hiện mục tiêu công khai minh bạch.

Có thể kể đến hoạt động của Ủy ban Cấp cao về minh bạch trong công vụ (HATVP) được thành lập vào năm 2013; khuôn khô Hiệp định Đối tác chính phủ mở - (OGP) mà Pháp tham gia năm 2014; các quy định nghiêm cấm việc kiêm nhiệm các chức năng hành pháp địa phương và các chức năng lập pháp tại Liên minh châu Âu, việc thành lập Cơ quan Chống tham nhũng Pháp (Agence françaiseanticorruption) năm 2016....

Trong số các biện pháp nêu trên, hoạt động của Ủy ban Cấp cao về minh bạch trong công vụ (HATVP) là đáng chú ý nhất. Đây là một cơ quan độc lập với nhiệm vụ chính là thúc đẩy tính trung thực, liêm chính và gương mẫu của các quan chức nhà nước, cũng như kiểm soát đạo đức và giám sát việc vận động hành lang.

Đặc biệt, cơ quan này có quyền thực hiện điều tra tăng cường và tố cáo người vi phạm trước tòa án có thẩm quyền nếu phát hiện các hành vi vi phạm hoặc hành vi cấu thành tội phạm.

Theo Tiến sỹ Nga Nguyen-Baudn và Tiến sỹ Joelle Nguyen Duy Tan, để ủy ban thực hiện công việc của mình, giới công quyền Pháp có nghĩa vụ kê khai tài sản. Toàn bộ các bản kê khai sẽ được công bố công khai và người dân có thể tra cứu tại sở cảnh sát khu vực để ngăn chặn mọi hành vi làm giàu bất chính.

Ngoài ra, các quan chức trong bộ máy chính quyền Pháp còn phải kê khai lợi ích, tức tất cả các mối quan hệ mang lại lợi ích và các hoạt động bên ngoài có nguy cơ gây ra xung đột lợi ích với nhiệm vụ công.

Nếu không thực hiện nghĩa vụ trên hoặc khai báo gian dối, hình phạt đối với các thành viên nghị viện lên tới 3 năm tù và 45.000 euro tiền phạt, còn đối với các thành viên chính phủ là 5 năm tù và 75.000 euro tiền phạt.

Riêng đối với các thành viên của HATVP, các quy tắc đạo đức áp dụng trong khuôn khổ nội bộ của cơ quan này cũng vô cùng nghiêm ngặt. Trong trường hợp có nguy cơ xung đột lợi ích, các thành viên sẽ bị buộc rời khỏi HATVP ngay lập tức.

Để đảm bảo hoạt động giám sát, kiểm tra, phần lớn các tài liệu của HATVP đều được công bố công khai trên cổng dữ liệu mở, từ thông tin thù lao, quy định nội bộ, thời gian biểu đến biên bản thảo luận, thông cáo báo chí…

Hằng năm, HATVP sẽ phải nộp báo cáo hoạt động cho Nghị viện Pháp. Ngoài ra, để kiểm soát các hoạt động vận động hành lang, Pháp còn xây dựng hệ thống cổng thông tin số về những tổ chức có ảnh hưởng đến quá trình ra những quyết định của giới công quyền.

Nhờ đó, người dân có thể dễ dàng truy cập và có thông tin về các mối quan hệ giữa các nhà vận động hành lang và giới chức Pháp, từ đó hiểu cách thức các quyết định nhà nước được đưa ra. Cổng thông tin này thuộc diện quản lý của HATVP.

Tháng 7/2015, HATVP đã tham gia tham vấn cho Kế hoạch hành động quốc gia “Vì một hệ thống công vụ hợp tác và minh bạch” (Pour une action publique transparente et collaborative), được công bố trên cơ sở của việc tham gia vào Hiệp định Đối tác chính phủ mở (OGP).

Kế hoạch hành động này được phát triển cùng dự án Etalab với sự tham vấn của một số đối tác thể chế, bao gồm HATVP và đại diện người dân, xoay quanh các vấn đề về tính liêm chính của quan chức nhà nước, tính minh bạch của các hoạt động và tài khoản công vụ, cũng như quyền tham gia và quyền truy cập của công dân.

Kế hoạch hành động quốc gia này là minh chứng cho những nỗ lực gần đây của Pháp về công khai dữ liệu công. Nhờ đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa Pháp vào vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các chính phủ mở trên thế giới./.

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục