Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 3: Chi trả dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt

07:50' - 01/03/2022
BNEWS Không còn phải sắp xếp thời gian lên xã theo lịch để nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, hầu hết các chủ rừng ở Thừa Thiên Huế đã nhận số tiền trên qua tài khoản ngân hàng.

Ông Hồ Xuân Thảo, đại diện Cộng đồng thôn Lê Triêng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhận tiền qua tài khoản nhàn hơn và nhanh hơn rất nhiều.

 

Cộng với việc được tạm ứng 70% số tiền được chi trả trước Tết Nguyên đán nên những người dân trồng rừng, bảo vệ rừng rất phấn khởi. Các hộ gia đình có thêm nguồn thu chi tiêu trong dịp Tết vừa qua.

Ông Hồ Xuân Thảo cho biết, diện tích rừng được nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Cộng đồng thôn Lê Triêng 2 năm 2021 đã tăng từ 150 ha lên trên 400 ha bởi có thêm một thủy điện đi vào hoạt động. Do đó, số tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng thôn cũng tăng lên khá, đạt khoảng 200 triệu đồng. Mỗi hộ sẽ nhận được từ 2-3 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Với việc nhận tiền qua tài khoản ông Lê Văn Hòa, đại diện Cộng đồng thôn 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới còn cho biết, muốn sử dụng bao nhiêu thì sẽ rút bấy nhiêu, số tiền còn lại cộng đồng có thể gửi ngân hàng để lấy lãi. Với số tiền có được từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng của ông Hòa hàng năm có thể mua sắm thêm các trang thiết bị cho tuần tra bảo vệ rừng.

Do diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thấp nên mỗi năm ông Ta Rương Đai, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế - chỉ được nhận vài trăm ngàn đồng. Số tiền ít cộng với việc không sử dụng thường xuyên thẻ ngân hàng nên ông đã chọn hình thức nhận tiền qua ViettelPay của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.

Nhận tiền qua tài khoản ngân hàng hay ViettelPay, ông Thảo, ông Hòa và ông Đai đều cho biết, sau khi được địa phương thông báo về việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là họ sẽ nhận được ngay số tiền trên, thay vì phải chờ đến lịch trả tiền trực tiếp như trước đây.

Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế chia sẻ, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước hướng đến chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân không dùng tiền mặt. Năm 2014, Quỹ đã hướng đến việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản bắt đầu tại 4 xã của huyện Phong Điền.

Từ lợi ích thiết thực qua việc trả tiền qua tài khoản nên đến nay toàn tỉnh đã có 97,5% số chủ rừng dân được chi trả qua tài khoản hoặc ViettelPay. Số chủ rừng còn lại, Quỹ chi trả trực tiếp tiền mặt đến tận tay do gia đình ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, số tiền được nhận ít.

“Việc chi trả bằng tiền mặt trước đây khiến Quỹ mất rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực. Mỗi năm, Quỹ đã mất gần 2 tháng để làm việc này. Khi đó, hầu hết cán bộ của Quỹ đều phải huy động để đi về các địa phương, xuống tận cấp xã để chi trả cho người dân, mà mỗi xã chỉ được nửa ngày. Đôi khi, còn một vài hộ không đến nhận được tôi lại phải đến tận nhà chi trả, nếu không thì sẽ lại mất thêm một buổi khác”, ông Trần Quốc Cảnh tâm sự.

Theo ông Trần Quốc Cảnh, không chỉ mất thời gian, nguồn lực mà việc đi xa, mang lượng tiền mặt rất lớn về các địa phương cũng rất nguy hiểm cho cán bộ quỹ cũng như việc bảo đảm an toàn cho số tiền. Khi chi trả qua tài khoản, Quỹ chỉ thực hiện việc công khai thông tin về số tiền các chủ rừng được hưởng. Qua đó, cũng giúp tạo sự minh mạnh trong việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với sự giám sát của chính người dân.

Những tiện lợi, nhanh chóng khi chi trả qua tài khoản cộng với việc kịp chi trả tạm ứng trước Tết đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi qua đó góp phần tiếp thêm động lực cho người dân yên tâm gắn bó với rừng. Diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 của tỉnh Thừa Thiên Huế là hơn 158,62 nghìn ha, chiếm 55% diện tích rừng của tỉnh.

 

Tiền dịch vụ môi trường rừng đã thực sự là nguồn lực quan trọng, giúp các chủ rừng chủ động nâng cao hiệu quả trong quản lý bảo vệ rừng được giao, đem lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn lao động vùng nông thôn, miền núi và góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,38%.

Thực hiện từ năm 2019, đến nay tỉnh Kon Tum cũng có trên 99% chủ rừng nhận tiền qua tài khoản. Số hộ rất ít còn lại chưa nhận qua tài khoản bởi chủ rừng chưa có căn cước công dân mới.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum cho biết, trước đây, để chi trả bằng tiền mặt cho người dân thì đơn vị phải chi trả qua các Hạt Kiểm lâm huyện. Việc chi trả sẽ không được kịp thời bởi cũng phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của Hạt Kiểm lâm và địa bàn trên địa phương. 

Kon Tum hiện có trên 3.500 hộ chủ rừng với trên 40 cộng đồng và trên 30 công ty, doanh nghiệp, ban quản lý đang bảo vệ khoảng 384.000 ha rừng. Đơn vị dự kiến sẽ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 với khoảng 307 tỷ đồng cho các chủ rừng. Nếu thực hiện việc chi trả bằng tiền mặt với lượng tiền trên sẽ là công việc không nhỏ.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, những năm gần đây, quỹ các cấp có nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ 2.800-3.000 tỷ đồng/năm. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt là việc làm cần thiết để đảm bảo sự an toàn, nhanh, hiệu quả và đến đúng chủ rừng.

Để có được kết quả đến nay đã có trên 90% số tiền phải trả không sử dụng tiền mặt, ngành đã triển khai thí điểm từ năm 2014-2015 ở một số địa phương và từ năm 2019 các quỹ địa phương đều phải thực hiện việc chi trả không sử dụng tiền mặt.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, các tỉnh, thành sẽ tùy từng đặc điểm của địa phương để cộng tác, hợp tác với các ngân hàng làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi mở tài khoản cũng như giao dịch. Các chủ rừng cũng có thể liên kết thành các nhóm hộ để giảm số lần phải giao dịch. Bên cạnh đó, nhiều chủ rừng được nhận số tiền ít, ở vùng sâu, vùng xa thì địa phương cũng có thể tạo điều kiện cho chủ rừng nhận tiền mặt.

Thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng đối tượng nhận không sử dụng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp sẽ có những đánh giá cụ thể về việc chi trả này để lựa chọn các phương án, đơn vị hợp tác mà chủ rừng được tiền thuận tiện, hiệu quả nhất. Chủ rừng được nhận tiền sẽ là trung tâm trong việc đánh giá này, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết./.

Xem thêm:

>>Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 1: Tín hiệu vui trong nghịch cảnh

>>Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 2: “Cú hích” đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

>>Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 4: Ngân hàng và bài toán giữ chân người dùng

>>Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài cuối: Để người dân coi ngân hàng như chiếc ví của mình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục