Mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp Việt

14:46' - 27/06/2024
BNEWS Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử hiện đại giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sáng 27/6, tại Hà Nội, Amazon Global Selling phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 nhằm cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Trung Kiên- Phó Chủ tịch VECOM cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử hiện đại không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Do đó, sự kiện được tổ chức nhằm mục đích tạo cơ hội cho doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và những thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đồng thời, đây cũng là dịp để doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường. 

Theo ông Bùi Trung Kiên, thương mại điện tử không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức. Việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, sự phát triển của công nghệ, cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ là những yếu tố mà các doanh nghiệp cần phải thích nghi và đổi mới. Chính vì vậy,đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng tối đa lợi thế của thương mại điện tử. 

Với chủ đề " Kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến" tập trung vào những vấn đề cốt lõi như: Định hướng chính sách phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và Các sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp giới thiệu Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) và ra mắt các thành viên mới.

Qua đó, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, cung cấp những thông tin hữu ích và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với những cơ hội lớn trên thị trường quốc tế.

Trình bày Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định trong thời gian qua cùng với đầu tư, sản xuất, thương mại nội địa, dịch vụ. 

Cùng đó, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá và bền vững. 

Theo ông Trần Thanh Hải, định hướng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 là phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hoá và tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. 

Ngoài ra, chủ động điều chỉnh nhịp độ nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu. 

Đặc biệt, Chiến lược tập trung vào đa dạng hoá thị trường, khai thác hiệu hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng.

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Ngoài ra, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước; quản lý và kiểm soát nhập khẩu.

 

Bên cạnh đó, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hạt nhân.

Ngoài ra, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh định hướng chính sách thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến giai đoạn 2026-2030, cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.

Các diễn giả tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Gijae Seong- Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn và Amazon là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Thông qua diễn đàn, Amazon nỗ lực thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới, trao quyền cho doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao vị thế toàn cầu cho hàng hóa, thương hiệu và ngoại thương Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Diễn đàn cũng tập hợp và cập nhật một loạt giải pháp, chương trình và sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam; trong đó, có thể kể đến việc ra mắt Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) do VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến. 

Doanh nghiệp tham gia liên minh sẽ được hỗ trợ tốt nhất về xuất khẩu trực tuyến đến từ các chuyên gia. Đáng lưu ý, VESA cung cấp các thông tin, chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp xuất khẩu; tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu với chất lượng tốt và hiệu quả cao nhất; tập hợp các nhà cung cấp uy tín hàng đầu Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực xuất khẩu. Đồng thời, tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp xuất khẩu về các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu.

Tham gia chính trong phiên thứ ba của diễn đàn, Amazon Global Selling Việt Nam đã cung cấp cho khách tham dự diễn đàn bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Doanh nghiệp Việt trên Amazon trong những năm vừa qua, đồng thời giới thiệu về các chương trình, dịch vụ đổi mới và cải tiến không ngừng từ Amazon để khai thác tiềm năng sản xuất, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu toàn cầu phù hợp với nhu cầu đặc biệt của doanh nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Các thảo luận cũng xoay quanh các sáng kiến đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ sinh thái ngành đến định hướng quảng bá thương hiệu và tiếp cận xu hướng thị trường thông qua dữ liệu số và công nghệ.

Các tiếp cận đa diện của Amazon Global Selling và các chuyên gia trong Diễn đàn đã củng cố cam kết vững chắc trong việc định hình tương lai thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam.

Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạch 300% trong 5 năm qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục