Mở rộng tín dụng tiêu dùng cho hộ nghèo đẩy lùi tín dụng đen

08:23' - 18/11/2020
BNEWS Để phục vụ kịp thời vốn cho sản xuất, tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia
Cách đây 3-4 năm, tình trạng nông dân mất đất, mất vườn vì tín dụng đen không phải là chuyện hiếm ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Sự vào cuộc tích cực của ngành ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu về vốn và cung cấp dịch vụ nơi đây. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, toàn xã đã chuyển đổi gần 50 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò với thu nhập tăng gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Nhờ đó, đời sống người dân đi lên trông thấy.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Bình Hiệp là xã biên giới thuần nông đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ chuyên trồng lúa sang trồng cây ăn quả, nhu cầu vốn cho bà con nơi đây luôn trong tình trạng “nóng”. Chính quyền địa phương đã phải rà soát, nắm từng đối tượng cho vay nặng lãi, từng trường hợp vướng vào tín dụng “đen”, rồi cho gỡ lột từng tờ rơi trên “ngân hàng cột điện”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Kiến Tường cho biết, cứ 2-3 tháng một lần, Agribank Kiến Tường tổ chức xuống từng xã phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho vay vốn, phát triển dịch vụ.

Nhận thấy hình thức tổ vay vốn rất phù hợp ở địa bàn nông thôn, Agribank Kiến Tường đã kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ triển khai 28 tổ vay vốn với trên 5.000 hộ tham gia. Đây là cơ sở để vốn ngân hàng đến với người dân nhanh nhất, thuận lợi nhất, đồng thời cũng là sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng vốn vay trong các hộ nông dân. Cũng nhờ đó, nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn đã bị đẩy lùi.

Trên thực tế, thời gian qua toàn ngành ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh tín dụng đen. Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế và tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Để tăng cường phục vụ kịp thời vốn cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, hiện nay, Agribank đang là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP; cho vay tái canh cà phê; cho vay theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”; cho vay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Với tỷ trọng cho vay đối tượng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân lên tới gần 70%/dư nợ cho vay nền kinh tế, Agribank hiện có quy mô dư nợ cho vay nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng; đặc biệt dư nợ với đối tượng khách hàng này có sự tăng trưởng mạnh tại nhiều khu vực.

Năm 2019, Agribank đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình. Ngân hàng cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt chi nhánh tập trung các nguồn lực để xét duyệt và giải ngân cho vay các nhu cầu cấp thiết của người dân theo chương trình này. Ngay từ khi triển khai cho đến nay, gói tín dụng tiêu dùng, đời sống đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với những đặc tính nổi bật và nhiều tiện ích gia tăng cho khách hàng đang ngày càng thu hút lượng khách hàng đông đảo.

Đến nay, sau hơn 1,5 năm triển khai, doanh số cho vay của chương trình đã vượt xa con số 5.000 tỷ đồng, đạt 17.101 tỷ đồng, với dư nợ 2.488 tỷ đồng; trong đó những khu vực có doanh số cho vay lớn tập trung ở Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung, trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, khu 4 cũ, Tây Nguyên. Tính đến 31/8/2020, đã có 384.814 khách hàng được tiếp cận và vay vốn từ chương trình này.

Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định: “Agribank đã triển khai đồng bộ các cơ chế tín dụng để hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực tam nông với mục tiêu mở rộng tín dụng để hỗ trợ khách hàng tiếp cận được vốn đầu tư tốt nhất, ngăn chặn nạn tín dụng đen trong xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội".

Hiện nay, Agribank đang cung cấp trên 200 sản phẩm về dịch vụ ngân hàng phục vụ 16 triệu khách hàng; trong đó 12 triệu khách hàng giao dịch tiền gửi, thanh toán và gần 4 triệu khách hàng vay vốn. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng, Agribank đã cung cấp gần 40 sản phẩm tín dụng. Trong số đó có một số sản phẩm tín dụng tiêu biểu phục vụ nhu cầu vay vốn của nông dân như: cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ đối với khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình nhằm hạn chế tín dụng đen, cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động, cho vay lưu vụ, cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cho vay qua Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Bên cạnh nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ đến 30/9/2020 đạt 223.207 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019 với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,71% tổng dư nợ.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Trần Lan Phương cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang báo cáo Ngân hàng Nhà nước và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trong thời gian sớm nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục