“Mỗi làng một sản phẩm”: Chìa khóa thành công của nhiều làng nghề ở Nhật Bản

13:30' - 17/04/2021
BNEWS OVOP được triển khai đầu tiên ở tỉnh Oita và Tiến sỹ Morihiko Hiramatsu, người đã từng giữ chức Thống đốc Oita, được coi là “cha đẻ” của phong trào này.

Trong quá trình công nghiệp hóa, không ít làng nghề nổi tiếng ở nhiều quốc gia đang dần mai một hoặc biến mất trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, điều đó lại không xảy ra ở Nhật Bản cho dù đây là một trong bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Ở nước này, nhiều làng nghề với các nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại và hoạt động rất hiệu quả. Điều này một phần là nhờ phong trào “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) – một mô hình hợp tác có xuất xứ từ tỉnh Oita, phía Nam Nhật Bản, cách đây hơn 40 năm.

OVOP được triển khai đầu tiên ở tỉnh Oita và Tiến sỹ Morihiko Hiramatsu, người đã từng giữ chức Thống đốc Oita, được coi là “cha đẻ” của phong trào này. Năm 1979, ông Hiramatsu được bầu làm Thống đốc tỉnh Oita nhiệm kỳ đầu tiên. Khi đó, Oita có dân số khoảng 1,2 triệu người.

Ông Hiramatsu đã từng chia sẻ ở một diễn đàn về OVOP rằng trong những ngày đầu mới nhậm chức thống đốc, ông không biết nhiều về quản lý địa phương. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông đã đề xuất triển khai phong trào OVOP nhằm xây dựng quê hương thành một nơi mà mọi người có thể tự hào. Ông nói: “Mục tiêu đầu tiên của tôi là tăng thu nhập bình quân đầu người bởi vì, thu nhập của người dân ở tỉnh Oita vào thời điểm tôi nhậm chức là rất thấp, và khoảng cách giữa thủ đô Tokyo và khu vực nông thôn là rất lớn”.

Tham gia OVOP, mỗi làng, xã sẽ lựa chọn và sản xuất một hoặc một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sự tập trung sản xuất đi kèm với tập trung tài chính và nhân lực sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, qua đó góp phần tăng doanh thu và cải thiện cuộc sống của người dân.

Theo ông Hiramatsu, phong trào này được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản gồm: mang lại sức sống mới cho mỗi làng, xã bằng cách tận dụng các nguồn lực tại chỗ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tự lực và sáng tạo; và phát triển nguồn nhân lực địa phương.

Lý giải về nguyên tắc thứ nhất, ông Hiramatsu nói: “Chúng tôi có thể khuyến khích một công ty chuyển tới Oita và xây dựng nhà máy sản xuất ô tô. Đó là một cách để thúc đẩy sự phát triển của địa phương bằng cách sử dụng nguồn lực bên ngoài. Tuy nhiên, thay vào đó, chúng tôi đã quyết định tận dụng triệt để tiềm năng của các nguồn lực địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc biệt có giá trị gia tăng cao”.

Tuy nhiên, ông Hiramatsu cho biết mục tiêu của phong trào không chỉ đơn thuần là sản xuất đồ lưu niệm cho các du khách mà còn tạo ra các sản phẩm đặc biệt của địa phương có thể bán tại không chỉ Tokyo mà còn thị trường quốc tế. Nói cách khác, mục tiêu của OVOP là sản xuất và bán các sản phẩm có thể có danh tiếng toàn cầu. Sản phẩm nấm shiitake trồng ở Oita là một ví dụ điển hình. Nhờ OVOP, hiện nay, nấm shiitake của Oita chiếm 29% thị phần nấm shiitake ở Nhật Bản. Đáng chú ý, nấm donko shiitake do tỉnh này sản xuất có giá tới 3.000 yen (gần 28 USD)/lạng.

Đối với nguyên tắc thứ hai, ông Hiramatsu giải thích OVOP là một phong trào tạo điều kiện cho sự phát triển địa phương thông qua việc giúp người dân ở đó nhận thức rõ tiềm năng và tối đa hóa tiềm năng đó bằng tinh thần tự lực. Ông nhấn mạnh: “Chính người dân địa phương chứ không phải các quan chức chính phủ là người quyết định sản xuất sản phẩm gì… Người dân chính là động lực của OVOP”.

Thị trấn Oyama ở thành phố Hita thuộc tỉnh Oita là một ví dụ như vậy. Sau Thế chiến Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi nông dân nước này đẩy mạnh trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, Oyama là một thị trấn nhỏ, với 3.800 dân, nằm sâu ở trong những dãy núi, hầu như không có đất để canh tác và không có đồng cỏ để chăn nuôi bò. Vì vậy, người dân ở đây đã quyết định không tuân theo định hướng của Chính phủ mà chuyển sang trồng cây hạt dẻ và mơ. Với khẩu hiệu “Hãy trồng hạt dẻ và mơ và đi du lịch ở Hawaii”, hợp tác xã nông nghiệp Oyama đã khởi động chiến dịch vực dậy kinh tế thị trấn này.

Họ đã chế biến nhiều sản phẩm từ mơ và bán sản phẩm này thông qua các kênh tiêu thụ trên khắp toàn quốc. Nhờ việc sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập của người dân ở đây đã liên tục tăng. Bên cạnh đó, lợi tức nông nghiệp ở Oyama vẫn liên tục tăng trong lúc lợi tức nông nghiệp ở Nhật Bản giảm. Năm 2004, tổng sản lượng nông nghiệp của tỉnh Oita tăng 0,91 lần so với năm 1980, nhưng ở Oyama lại tăng gấp 1,76 lần, cao nhất trong tỉnh Oita.

Bên cạnh đó, ông Hiramatsu lưu ý chính quyền không nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân bởi vì, nếu bạn trợ cấp cho họ thì nhiều khả năng họ sẽ không thực hiện OVOP khi không còn các khoản trợ cấp đó. Tuy nhiên, theo ông Hiramatsu, chính quyền có thể cung cấp tư vấn kỹ thuật cho người dân, đồng thời hỗ trợ họ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Oita đã hướng dẫn người dân làm thế nào để trồng nấm shiitake hay chế biến đồ uống từ chanh kabosu và quảng bá sản phẩm ở Tokyo.

Đối với nguyên tắc thứ ba, ông Hiramatsu nhấn mạnh “việc phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng nhất của OVOP”. “Chúng ta cần phải nuôi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo, có thể thách thức những thứ mới mẻ trong nông nghiệp, thương mại, du lịch và nhiều lĩnh vực khác”.

Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Oita đã xây dựng trường đào tạo ‘Toyo-no-kuni’ cho người dân địa phương và ông Hiramatsu chính là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Các học sinh của trường là những người nông dân, nhân viên các hợp tác xã nông nghiệp, nhân viên văn phòng và thậm chí cả các giáo viên của các trường phổ thông. Họ chỉ đến đây học vào những buổi tối trong khi ban ngày vẫn đi làm.

Họ không học theo các giáo trình được viết sẵn. Thay vào đó, các điển hình thành công trong phong trào OVOP sẽ được mời tới để trình bày kinh nghiệm của mình. Mỗi khóa học như vậy kéo dài 2 năm. Cho đến nay, có hàng ngàn người đã tốt nghiệp từ ngôi trường này, trong đó không ít người đã trở thành ủy viên hội đồng tỉnh hay thị trưởng.

Với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Oita, từ một vài sản phẩm tham gia OVOP ban đầu, đến năm 2001, tổng số sản phẩm tham gia OVOP ở 11 thành phố và 47 đô thị của tỉnh Oita lên tới 336. Tổng giá trị sản xuất tăng từ 36 tỷ yen năm 1979 lên 141 tỷ yen. 

Sau thành công của OVOP ở Oita, nhiều tỉnh, thành khác ở Nhật Bản đã tới đây học hỏi và phát động các phong trào tương tự như “Sản phẩm của làng” hay “Chương trình phát triển thành phố quê hương”. Số lượng sản phẩm bán ra đã tăng từ 143 loại, với thu nhập là 35,9 tỷ yen khi phong trào này bắt đầu, lên 336 loại với thu nhập 141 tỷ yen vào năm 2001. Nhiều làng nghề bị mai một được khôi phục, trong khi có 200 nghề mới được tạo dựng.

Và không chỉ có Nhật Bản, nhiều địa phương khác trên khắp thế giới đến Oita để học tập mô hình OVOP của tỉnh này như Thượng Hải (Trung Quốc), Đông Java (Indonesia) hay Los Angeles (Mỹ). Theo ông Hiramatsu, chỉ riêng trong tài khóa 2005, tỉnh Oita đã tiếp đón hơn 1.000 người từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp thế giới tới học hỏi về phong trào OVOP.

Hiện nay, phong trào này đã lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực và đã trở thành một mô hình hiệu quả cho việc mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh và phát triển kinh tế nhiều làng, xã trên khắp thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục