Mỗi người dân đều có nhiệm vụ chống "giặc COVID-19"

19:14' - 23/03/2020
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền thông điệp đến hàng triệu người dân Việt Nam: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, ngày 22/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền thông điệp đến hàng triệu người dân Việt Nam: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Thực hiện tinh thần đó, không phân biệt tuổi tác và vai trò trong xã hội, mỗi người dân đều cần xác định cho mình hành động phù hợp và hành xử đúng mực, góp phần chống đại dịch toàn cầu.

"Đứng yên" là một nhiệm vụ

Trong những ngày qua, thông điệp “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Đang ở đâu hãy ở yên đó”… được chia sẻ mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của cộng đồng. Với cơ chế lây lan theo cấp số nhân, các thông điệp này phù hợp với khuyến cáo của ngành y tế, ngụ ý rằng người dân nên hạn chế di chuyển, tiếp xúc với mọi người, tránh tụ tập đông người nhằm giảm sự lây lan của virus và ngăn dịch bệnh bùng phát.

“Đứng yên” cũng là một phương cách thiết thực, hữu ích để phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt kể từ khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch.

Thay vì đổ xô đi chợ, siêu thị, các cửa hàng để tích trữ đồ ăn; ồ ạt về quê “lánh nạn”; tận dụng giá vé rẻ đi du lịch; tụ tập liên hoan…  mỗi người hãy tự kiềm chế, kiểm soát việc di chuyển của riêng mình, hạn chế tối đa nguy cơ lan truyền virus ra cộng đồng.

Tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhiều hoạt động đã được hoãn lại, thậm chí nhiều người còn lùi thời gian tổ chức đám cưới vì mục đích an toàn cho cộng đồng. Điển hình như hai cán bộ Đội Quản lý hành chính (Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), họ đã hoãn tổ chức đám cưới - sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời, để lên đường nhận nhiệm vụ, tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

Việc “đứng yên” đặc biệt cần thiết đối với những người có nguy cơ lây nhiễm cao, người cao tuổi, người có bệnh nền bởi khi bị lây nhiễm những bệnh nhân này thường có tiến triển nặng… Các trường hợp này được khuyến cáo hạn chế di chuyển, ở tại gia đình để lực lượng y tế đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở y tế theo đúng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch. Tương tự, người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh cũng có trách nhiệm tự cách ly và thông báo ngay cho nhân viên y tế nơi sinh sống để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

Người được cách ly cũng là “chiến sĩ làm nhiệm vụ” và “đang ở đâu hãy ở yên đó” để phòng, chống dịch hiệu quả. Họ có nhiệm vụ chính là ở yên trong các khu cách ly tập trung, tại các cơ sở y tế, tại nhà; thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan chức năng. Việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi người được cách ly đều góp phần quan trọng giúp các lực lượng chức năng “chống giặc” hiệu quả.

Bên cạnh đó, các du học sinh, người lao động, người sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng được khuyến khích tham gia làm nhiệm vụ chống dịch, bằng cách hạn chế di chuyển, tuân thủ chặt chẽ quy định của nước sở tại. Đặc biệt, kiều bào được khuyến cáo hạn chế di chuyển bằng máy bay bởi các cảng hàng không và máy bay luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao.

Việc nhận thức đúng, hành động phù hợp, đơn cử như việc “đứng yên” trong một số trường hợp, vào thời điểm cụ thể, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người để góp phần giữ gìn sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Và nỗ lực hành động

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, hầu như mỗi ngày đều có các ca nhiễm mới, xã hội vẫn phải vận hành, người dân vẫn phải thích ứng với bối cảnh mới để tiếp tục cuộc sống và công việc. Do đó, bên cạnh những nhóm cần “đứng yên”, thì những nhóm khác lại phải hoạt động tích cực hơn, nỗ lực cao nhất để phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng.

Đó là những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân…

Hình ảnh Trung tá Bùi Vĩnh Nam (Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) mặc nguyên quần áo bảo hộ, ăn vội hộp cơm trên manh chiếu nhỏ trải sát chân tường trong khu sân bay, nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến mọi người đều xúc động, cảm phục.

Ở nơi tuyến đầu phòng dịch, guồng quay công việc diễn ra bất kể ngày đêm, lực lượng quân đội đang gồng mình như những “tấm lá chắn thép” bảo vệ nhân dân khỏi “kẻ thù COVID-19”.

Đồng hành cùng tuyến đầu với lực lượng quân đội, đội ngũ cán bộ nghiên cứu dịch tễ, các y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” dũng cảm, nỗ lực ngày đêm nghiên cứu về chủng mới của virus Corona, thực hiện xét nghiệm đối với các bệnh nhân nghi nhiễm, đưa ra phương án điều trị thích hợp đối với các bệnh nhân dương tính và đang được điều trị cách ly…

Hơn ai hết, những “chiến sĩ áo trắng” phải đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Mặc dù biết khó khăn, nguy hiểm cận kề, nhưng không ai chùn bước. Tất cả khi vào cuộc đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất.

Nơi hậu phương, những người công nhân - “chiến sĩ áo xanh” không quản ngại tăng ca sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu của người dân khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ai cũng tất bật, hăng hái và chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thiết yếu phòng dịch, phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, biết bao thầy giáo, cô giáo và hàng triệu học sinh phải tạm xa trường, lớp, nhưng vẫn nỗ lực duy trì việc dạy và học bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp hơn trong tình thế hiện nay như dạy học trực tuyến, qua truyền hình... Hàng nghìn thanh niên tình nguyện, sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã về hưu... sẵn sàng lên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 luôn rình rập, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau... vẫn phải gồng mình chống chọi với nước mặn bủa vây, để duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực từ vựa lúa lớn nhất của đất nước.

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân đều có một nhiệm vụ khác nhau, không ai đứng ngoài cuộc. Có những người không quản ngại gian khó, xông vào nơi tuyến đầu, nhưng có những người "đứng yên" cũng là thiết thực góp phần chiến thắng dịch bệnh.

Hai cách hành xử tưởng chừng như đối lập nhau, nhưng lại tạo ra sự thống nhất, khớp nối với nhau như hai bánh răng cưa, tạo ra sự chuyển động tích cực. Đó chính là sự hiệp lực của toàn xã hội, hướng đến mục tiêu dập dịch COVID-19 trong phạm vi mỗi quốc gia và góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến chống dịch trên quy mô toàn cầu./.

>>>Nghệ sỹ ca vang giai điệu cổ vũ sức mạnh Việt Nam trước dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục