Moody’s dự báo thay đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế

06:49' - 20/01/2023
BNEWS Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh trong khu vực sẽ tạo ra "sự đứt gãy" có thể gây ra hiệu ứng tín dụng lâu dài.

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's), căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh trong khu vực sẽ tạo ra "sự đứt gãy" có thể gây ra hiệu ứng tín dụng lâu dài.

 

Chuyên gia phân tích của Moody’s Nishad Majmudar cho biết, sự hình thành các liên minh chính trị mới và tái định hình các mối quan hệ kinh tế, thương mại và tài chính của châu Á, có thể gây áp lực buộc các công ty, nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế xây dựng kế hoạch dự phòng.

Ông Nishad Majmudar phân tích: “Mối quan hệ kinh tế và tài chính trên khắp châu Á-Thái Bình Dương có thể khác nhau với bốn đường đứt gãy: địa chính trị; công nghệ và sản xuất; thương mại và tài chính. Các đường đứt gãy địa chính trị phản ánh các liên minh chính trị và an ninh xoay quanh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Nishad cho hay các liên minh này có thể thúc đẩy sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế theo thời gian và có thể có tác động đến khả năng cạnh tranh kinh tế, chính sách đầu tư xuyên biên giới và phát triển thị trường xuất khẩu.

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ tiên tiến có nghĩa là các chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh cách thức các công nghệ nhạy cảm, chẳng hạn như chất bán dẫn và công nghệ năng lượng tái tạo, được chuyển giao và áp dụng xuyên biên giới. Việc giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư nước ngoài và nỗ lực nội địa hóa dữ liệu có thể trở nên phổ biến, làm tăng chi phí quản lý và vận hành cho các công ty đa quốc gia.

Các đường đứt gãy thương mại sẽ phản ánh quá trình khu vực hóa các dòng chảy thương mại. Thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ theo trật tự thương mại quốc tế dựa trên quy tắc.

Tuy nhiên, việc Mỹ và Ấn Độ vắng mặt trong cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại lớn trong khu vực sẽ làm tăng vai trò trung tâm của Trung Quốc đối với thương mại khu vực.

Ông Nishad nhận xét: “Mặc dù đồng USD vẫn là trung tâm của thương mại quốc tế, nhưng mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến các quốc gia, ngân hàng trung ương và công ty đa dạng hóa các loại tiền tệ mà họ huy động vốn, đầu tư dự trữ hoặc lập hóa đơn giao dịch hàng hóa”.

Về những căng thẳng địa chính trị, báo cáo của Moody’s cho biết, căng thẳng tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và việc các chính phủ tập trung kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các loại chip tiên tiến sẽ định hình lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trong dài hạn.

Xu hướng đa dạng hóa địa lý trong sản xuất và đầu tư chất bán dẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà sản xuất chip. Áp lực địa chính trị gia tăng sẽ có tác động ngay lập tức đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn và sẽ dẫn đến sự đa dạng hóa về mặt địa lý đối với năng lực sản xuất và đầu tư của các công ty bán dẫn Đài Loan.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Moody’s Michael Taylor nhận xét, bất kỳ gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp chất bán dẫn từ Đài Loan sẽ có tác động vượt ra ngoài châu Á-Thái Bình Dương.

Ông cho biết, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu chất bán dẫn khó có thể giảm trong trung hạn do những hạn chế đối với sản xuất chip tiên tiến của nước này, đồng thời khẳng định chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Trung Quốc ngày càng dễ bị tổn thương trước những gián đoạn địa chính trị.

Theo ông Michael Taylor, những hạn chế đối với khả năng tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến sẽ làm chậm tiến độ của kế hoạch tự cung cấp chất bán dẫn của Trung Quốc. Do đó, nước này sẽ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu chất bán dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục