Morgan Stanley: Italy phải mất 10 năm để giải quyết nợ xấu ngân hàng

09:46' - 18/07/2017
BNEWS Tập đoàn ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) ngày 17/7 nhận định các ngân hàng của Italy có thể phải mất tới 10 năm mới có thể giảm được mức nợ xấu xuống bằng với con số trung bình của châu Âu.
Tập đoàn ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) ngày 17/7 nhận định các ngân hàng của Italy có thể phải mất tới 10 năm mới có thể giảm được mức nợ xấu xuống bằng với con số trung bình của châu Âu. Cũng theo Morgan Stanley, việc thành lập một ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Cuộc suy thoái kinh tế ở Italy, vốn kết thúc vào năm 2014, đã khiến các ngân hàng nước này phải gánh các khoản nợ xấu lên tới 349 tỷ euro, chiếm 1/3 tổng nợ xấu của châu Âu. Bên cạnh đó, theo giới quan sát, một hệ thống tư pháp kém hiệu quả và tăng trưởng kinh tế chậm chạp khiến việc giải quyết vấn đề nợ xấu ở Italy càng khó khăn hơn.

Tuy vậy, một loạt bước đi của Chính phủ Italy, như bơm vốn cho các ngân hàng cũng như tiến hành cứu trợ Banca Monte dei Paschi di Siena (BMPS), ngân hàng lâu đời nhất thế giới và lớn thứ ba nước này, đã giúp cải thiện phần nào tình hình trên. Theo Morgan Stanley, Italy hiện đã đạt được một số tiến bộ, nhưng khả năng dễ bị tổn thương vẫn còn.

Ý tưởng thành lập một ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu hiện đang nhận được sự ủng hộ từ các thể chế của Liên minh châu Âu (EU), kể cả Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng này lại vấp phải sự phản đối của Đức, vốn đang ngần ngại trước khả năng thực hiện việc cứu trợ dựa vào nguồn tiền thuế của người dân.

Hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Ignazio Visco đã hoan nghênh đề xuất của EU, theo đó thành lập các phương tiện được nhà nước ủng hộ để mua lại những khoản nợ xấu của các ngân hàng, đồng thời nói rằng việc tham gia ý tưởng này nên dựa trên cơ sở tự nguyện.

Ireland (Ai-len), Tây Ban Nha và Áo đều đã chứng kiến các nền kinh tế và hệ thống tài chính của họ trở nên lành mạnh hơn sau khi quyết định thành lập một ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu tiếp sau cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục