Một kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới đang bắt đầu

05:30' - 24/10/2024
BNEWS Sự đa dạng của các thành viên (và các ứng viên) đã làm nổi bật sức hấp dẫn rộng rãi của Nhóm BRICS mở rộng (BRICS+).
Trang tin The Strategist (Australia) số ra mới đây đăng bài viết cho rằng một kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới đang bắt đầu. Với việc tỷ trọng của phương Tây trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ngày càng giảm và thế giới ngày càng trở nên đa cực, các quốc gia khác nhau đang cạnh tranh để thiết lập vị thế của mình trong trật tự mới, trong đó có nhiều nền kinh tế mới nổi, được đại diện bởi nhóm BRICS được mở rộng gần đây.

Các quốc gia này đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong việc thiết lập các quy tắc của trật tự mới và những quốc gia nhỏ hơn đang cố gắng vun đắp các mối quan hệ có thể bảo vệ lợi ích của họ.

BRICS đã trở thành biểu tượng cho sự khao khát một trật tự thế giới mới mang tính đại diện rộng rãi hơn. Đầu năm nay, BRICS đã mở rộng từ 5 quốc gia thành viên là Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi lên 9 quốc gia, với sự gia nhập của Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Và gần 36 quốc gia khác – bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan,  Mexico, cùng với Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới – đã nộp đơn xin gia nhập.

 
Mặc dù sự đa dạng của các thành viên (và các ứng viên) của nhóm đã làm nổi bật sức hấp dẫn rộng rãi của Nhóm BRICS+, nhưng cũng đi kèm một số vấn đề. Đây là những quốc gia có hệ thống chính trị, kinh tế và mục tiêu rất khác nhau.         

Việc biến lợi ích chung thành một kế hoạch hành động chung và trở thành một lực lượng thống nhất trên trường quốc tế là điều không dễ dàng ngay cả khi BRICS chỉ có 5 thành viên. Với 9 quốc gia thành viên, và có thể nhiều hơn, việc thiết lập một bản sắc và chương trình nghị sự chung sẽ đòi hỏi nỗ lực bền bỉ. Tuy nhiên, các nhóm đa phương khác – chẳng hạn như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và thậm chí cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - cũng đang gặp phải những quan điểm khác nhau trong nội bộ.

Hơn nữa, BRICS đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể. Các nhà phân tích phương Tây ngay từ đầu đã đưa ra dự đoán "khiêm tốn" về tương lai của nhóm này. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh BRICS+ tổ chức trong tháng 10/2024 tại Kazan, Nga - hội nghị đầu tiên kể từ khi BRICS mở rộng - có thể mang lại chuyển động theo hướng mở rộng hơn nữa.

BRICS đã tham gia vào việc xây dựng thể chế, sau khi thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (do Ấn Độ đề xuất và có trụ sở chính tại Thượng Hải) vào năm 2015. Tổ chức này không chỉ là ngân hàng phát triển đa phương đầu tiên trên thế giới được thành lập và lãnh đạo bởi các nền kinh tế mới nổi. Đây cũng là tổ chức duy nhất có các thành viên sáng lập vẫn là cổ đông bình đẳng có tiếng nói ngang nhau, ngay cả khi có nhiều quốc gia tham gia hơn. Ngược lại, Mỹ là cổ đông chi phối và nắm quyền phủ quyết tại Ngân hàng Thế giới (WB).

BRICS+ tự hào về sự ảnh hưởng toàn cầu đáng nể. Nhóm này vượt trội G7, cả về dân số (với gần 46% dân số thế giới, so với 8,8% của G7) và cả về kinh tế (chiếm 35% GDP toàn cầu, so với 30% của G7). Các nền kinh tế của BRICS+ cũng có khả năng là nguồn lực quan trọng nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Hơn nữa, với việc Iran và UAE gia nhập, cùng với các đối tác sản xuất dầu là Brazil và Nga, BRICS+ hiện chiếm khoảng 40% sản lượng và xuất khẩu dầu thô.

Theo các chuyên gia, BRICS+ có tiềm năng đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình cải cách lại hệ thống quản trị toàn cầu vốn đã bị “quá hạn”, để phản ánh tốt hơn thực tế của thế kỷ XXI.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục