Mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu của hội nhập

17:20' - 06/06/2016
BNEWS Quan điểm của Việt Nam đã xác định mở cửa thị trường và mua bán sáp nhập là xu thế chung khi hội nhập.
Mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu của hội nhập. Ảnh minh họa:TTXVN

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay rất nhiều đơn vị đưa tin các nhà bán lẻ vào gây khó khăn cho hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam đã xác định mở cửa thị trường và mua bán sáp nhập là xu thế chung khi hội nhập.

Đánh giá sâu hơn về thị trường bán lẻ sau một loạt thương vụ mua bán sáp nhập trên thị trường thời gian gần đây, tại buổi giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 6/6, ông Quyền khẳng định: Nếu nhìn lại 10 năm Việt Nam chính thức mở cửa, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 3/4 doanh thu bán lẻ và chủ yếu tập trung vào mảng siêu thị.

Chính bởi lẽ đó, khi Metro hay Big C được mua lại là hoàn toàn bình thường chẳng khác nào việc Vingroup mua lại Vinatex Mart.

Cùng quan điểm mở cửa đầu tư, liên quan đến câu chuyện thực hiện cam kết nhất quán WTO cũng như thực hiện FTA thế hệ mới, ông Quyền cho biết sẽ cố gắng đảm bảo sử dụng các giải pháp được WTO cho phép, giữ quyền bảo lưu 9 nhóm mặt hàng FDI chưa được phân phối.

Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước đang xem xét để bổ sung Nghị định 23 cho phép quản lý khi mở cửa thị trường. Hơn nữa sẽ tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đào tạo, hỗ trợ công nghệ thông tin, mở rộng phát triển hệ thống phân phối cũng như hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Phát triển thương mại trong nước đến năm 2020.

Cũng theo ông Võ Văn Quyền, hiện Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng Đề án mang tính chiến lược dựa trên cơ sở nền tảng, đánh giá lại và kèm theo các biện pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa, cùng sự vươn lên doanh nghiệp để hệ thống phân phối trong nước có đủ sức cạnh tranh.

Nhấn mạnh về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng Vụ Thị trường trong nước phải nhanh chóng xây dựng chiến lược bán lẻ cũng như đề cương, làm việc với Hiệp hội, địa phương về xây dựng hệ thống bán lẻ để đánh giá những mặt được, chưa được trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Thị trường trong nước phải có cái nhìn toàn diện và đồng bộ liên quan đến các loại hình thương mại khác như thương mại nông thôn, vùng sâu vùng xa phù hợp đặc thù phát triển của Việt Nam để chiến lược sớm có hiệu quả báo cáo Chính phủ.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu và yêu cầu quan trọng của Bộ Công Thương là tập trung cả hệ thống chính trị trong thực hiện điều hành thị trường trong nước về giá cũng như kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Do đó, Vụ Thị trường trong nước sớm có phương án để Bộ Công Thương trình Bộ Chính trị về chiến lược bán lẻ.

Tới đây, Vụ Thị trường trong nước phải làm việc trực tiếp với các địa phương có dung lượng thị trường bán lẻ lớn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phân phối bán lẻ.

Ngoài ra, cần nghiên cứu diễn biến thị trường bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xem xét sự tuân thủ pháp luật của khối doanh nghiệp này để báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét đưa ra phương án xử lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục