Mỹ-Ấn Độ thu hẹp khoảng cách về kinh tế và thương mại

05:30' - 06/03/2020
BNEWS Hợp tác quân sự trở thành một trụ cột xác định trong mối “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước Mỹ- Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phân tích của báo The Sunday Times ngày 1/3, với biên bản ghi nhớ trị giá hơn 3 tỷ USD được ký kết trong chuyến thăm kéo dài 36 giờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ấn Độ, giá trị mua sắm quốc phòng của quốc gia Nam Á từ Mỹ đã vượt quá con số 20 tỷ USD trong 10 năm qua, khiến hợp tác quân sự trở thành một trụ cột xác định trong mối “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước. 

Chuyến thăm của Tổng thống Trump cũng giúp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện mình là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới có “sự thông hiểu cá nhân” với Tổng thống Mỹ. Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ cũng đã ký hai hiệp định nền tảng với Mỹ.

Một là thỏa thuận trao đổi hậu cần ký kết hồi tháng 8/2016 và Thỏa thuận an ninh và tương thích liên lạc vào tháng 9/2018. Thỏa thuận trao đổi và hợp tác cơ bản giữa hai bên được cho là sẽ sớm được ký kết; cho phép Mỹ bán cho Ấn Độ tất cả các công nghệ tiên tiến mà Washington chia sẻ với các đồng minh NATO của mình. Bên cạnh đó, Mỹ và Ấn Độ cũng đã tiến hành rất nhiều cuộc tập trận quân sự chung.

Tuy nhiên, những căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ thương mại giữa hai nước đã ngăn cản hai bên ký kết thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm của Tổng thống Trump. Thỏa thuận đã được đàm phán trong hai năm này được dự đoán là “có giới hạn” và được chờ đợi từ lâu.

Đương nhiên, vấn đề này là một phần trong cuộc tấn công thuế quan của ông Trump trên toàn cầu nhằm vào tất cả các bạn bè cũng như kẻ thù của Mỹ. Kể từ chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của mình năm 2016, ông Trump đã và đang chỉ trích mạnh mẽ việc cả thế giới không công bằng với Mỹ và đang lợi dụng Mỹ.

Đối với Ấn Độ, vào tháng 3/2018, ông Trump đã viện dẫn vấn đề “an ninh quốc gia” để áp đặt thuế bổ sung 12% đối với nhôm và 25% đối với thép xuất khẩu của Ấn Độ. Tháng 6/2019, Ấn Độ cùng với nhiều nước đang phát triển nhanh khác đã bị loại khỏi danh sách các quốc gia được hưởng quy chế tối huệ quốc của Mỹ. Điều này đã tác động khoảng 12% xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ.

Ngay hôm trước ngày diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Trump, Chính quyền Mỹ đã quyết định phân loại Ấn Độ là quốc gia phát triển, dựa trên tổng ngoại thương của Ấn Độ chiếm hơn 0,5% thương mại thế giới. Đây là tiền đề để ông Trump tìm kiếm “sự tương hỗ” trong quan hệ kinh tế song phương.

Gọi Ấn Độ là “ông vua thuế quan”, Tổng thống Trump đã yêu cầu New Delhi giảm bớt thuế thương mại của nước này và Ấn Độ đã giảm bớt một số loại thuế. Ba năm qua đã chứng kiến thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ giảm từ 32 tỷ USD xuống còn 21 tỷ USD, và đối với một thỏa thuận thương mại “có giới hạn”, New Delhi thậm chí đã nhất trí nhập khẩu hàng hóa trị giá 6,7 tỷ USD của Mỹ. 

Đồng thời, giống như Trung Quốc, Ấn Độ đã trả đũa bằng việc tăng thuế đối với 28 hạng mục nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng những hạng mục này chủ yếu là các hàng hóa giá trị thấp như quả hạnh, quả óc chó, hạt điều, táo…

Ngân sách năm 2020 của Ấn Độ được công bố vào tháng trước tìm cách bảo vệ hàng nông sản của nước này, đặc biệt là các sản phẩm làm từ sữa và gia cầm, với việc bổ sung các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. 

So với Trung Quốc, xuất khẩu của Mỹ và thâm hụt thương mại với Ấn Độ là rất nhỏ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không ngừng gây sức ép với New Delhi. Đây là lý do giải thích tại sao Ấn Độ đã phải tìm cách đáp ứng yêu cầu của ông Trump bằng việc mua nhiều trang thiết bị phòng thủ hơn từ Mỹ.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao việc Ấn Độ nhập khẩu năng lượng từ Mỹ hứa hẹn nổi lên là trụ cột quan trọng thứ hai của “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu” giữa hai nước.

Như Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ Dharmendra Pradhan gần đây cho biết, năm 2019, Ấn Độ đã nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Mỹ trị giá 6,7 tỷ USD và dự kiến năm nay sẽ vượt 10 tỷ USD. Mỹ là nhà cung cấp năng lượng lớn thứ 6 của Ấn Độ và Ấn Độ là điểm đến thứ tư cho xuất khẩu năng lượng Mỹ.

Ấn Độ đã công bố nước này sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng. Công ty Petronet LNG của Ấn Độ và Tellurian của Mỹ đã và đang hoàn tất các thể thức hợp tác. Công ty điện hạt nhân của Ấn Độ hiện đang đảm bảo về tài chính cho công ty Westinghouse bị phá sản để mua 6 lò phản ứng điện hạt nhân sau khi Ấn Độ và Mỹ ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự năm 2008. 

Ngoài ra, hai bên cũng đang thăm dò các cơ hội cho mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.

Chính trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn này mà hai nước đã mở rộng sự hội tụ chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi những chiến lược và ưu tiên hoạt động của hai nước vẫn còn rất khác nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục