Mỹ: FAA cần cải thiện quy trình kiểm tra các máy bay mới

15:11' - 25/02/2021
BNEWS Ngày 24/2, Bộ Giao thông Mỹ cho rằng Cơ quan Hàng không dân dụng Mỹ (FAA) cần cải thiện quy trình kiểm tra các máy bay mới sau các vụ tai nạn xảy ra với dòng máy bay Boeing 737 MAX.

Trong báo cáo điều tra dài 60 trang, Bộ Giao thông Mỹ kết luận "những thiếu sót" trong quy trình cấp phép của FAA với dòng máy bay Boeing 737 MAX đã ảnh hưởng đến việc thử nghiệm mẫu máy bay được cấp phép bay vào năm 2017.

Báo cáo nêu rõ những hạn chế trong các quy trình và hướng dẫn của FAA đã ảnh hưởng tới việc cấp phép và dẫn tới hiểu lầm đáng kể về Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) - phần mềm kiểm soát bay bị cho là nguyên nhân gây ra hai vụ tai nạn liên quan tơi dòng máy bay này.

Theo bộ trên, các chuyên gia của FAA đã không nhận thức đầy đủ việc đánh giá an toàn hệ thống MCAS của hãng Boeing cho tới khi vụ tai nạn đầu tiên xảy ra.

Bộ Giao thông Mỹ kiến nghị 14 điểm để FAA kịp thời xác định những rủi ro tiềm tàng. Trong số đó có yêu cầu FAA phải phân tích về "xác suất hỏng hóc" và "áp dụng các quy trình buộc các nhà sản xuất thông báo chính thức bất cứ thay đổi nào trong hệ thống an toàn bay, kể cả sau khi FAA bắt đầu quá trình kiểm tra bay".

Báo cáo cũng cho biết FAA đồng ý với kết luận đưa ra và cơ quan này khẳng định đã có những bước tiến quan trọng trong việc "đảm bảo đánh giá tổng thể hơn với các thay đổi về thiết kế máy bay".

Trong vòng 5 tháng, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, hai máy bay Boeing 737 MAX đã rơi ở Indonesia và Ethiopia làm ít nhất 346 người thiệt mạng. Các cuộc điều tra quốc tế xác định cả hai vụ tai nạn đều liên quan đến lỗi phần mềm giữ thăng bằng của máy bay.

Vụ việc này không chỉ dẫn đến việc 737 MAX bị cấm bay toàn cầu và Boeing thiệt hại gần 20 tỷ USD mà còn ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu của ngành hàng không Mỹ. Đến tháng 12/2020, sau gần 20 tháng ngừng bay, máy bay Boeing 737 MAX bắt đầu được khai thác bay trở lại sau khi được FAA cấp phép.

Trong những ngày gần đây, Boeing trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận sau khi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines phải hạ cánh khẩn cấp do lỗi động cơ Pratt&Whitney.

Vụ việc càng nóng lên khi FAA cho biết từng tiến hành điều tra kỹ lưỡng về động cơ sau một sự cố của máy bay hãng Japan Airline (Nhật Bản) năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục