Mỹ: FAA yêu cầu kiểm tra máy bay Boeing 777 sau sự cố lỗi động cơ

11:21' - 22/02/2021
BNEWS Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) sẽ ban hành một chỉ thị khẩn cấp sau sự cố máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines gặp lỗi động cơ và phải hạ cánh khẩn cấp.

Ngày 21/2, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết sẽ ban hành một chỉ thị khẩn cấp sau sự cố máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines gặp lỗi động cơ và phải hạ cánh khẩn cấp trở lại sân bay quốc tế Denver, bang Colorado.

Cơ quan này cũng yêu cầu kiểm tra ngay lập tức hoặc tăng cường kiểm tra các máy bay tương tự.

Trong một tuyên bố, Giám đốc FAA Steve Dickson cho biết chỉ thị này được áp dụng đối với các máy bay Boeing 777 trang bị động cơ Pratt &Whitney 4000 (PW4000), đồng thời để ngỏ khả năng một số máy bay sẽ không được phép vận hành.

Ông Dickson cho biết thêm sau sự cố này, cần phải tăng cường kiểm tra vỏ động cơ vốn được sản xuất chỉ dành cho mẫu động cơ PW4000 của máy bay Boeing 777.

Theo FAA, United Airlines là hãng hàng không Mỹ duy nhất khai thác máy bay Boeing dùng động cơ PW4000, ngoài ra một số hãng hàng không tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sử dụng dòng máy bay này.

Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho hay kiểm tra ban đầu đối với máy bay gặp sự cố cho thấy chủ yếu thiệt hại nằm tại động cơ phải trong khi chiếc máy bay chỉ bị hư hại nhẹ.

Ngay sau sự cố, hãng hàng không United Airlines ra thông báo nêu rõ hãng sẽ tạm dừng khai thác ngay lập tức tất cả 24 máy bay Boeing 777 sử dụng loại động cơ PW4000 và sẽ tiếp tục thảo luận với các cơ quan quản lý Mỹ để “xác định các bước bổ sung cần thiết để đảm bảo những chiếc máy bay này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và có thể đưa vào khai thác trở lại”.

Cũng trong ngày 21/2, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing ra khuyến nghị tạm dừng khai thác máy báy Boeing 777 sử dụng động cơ PW4000 tương tự như máy báy của United Airlines cho đến khi FAA đưa ra bản hướng dẫn kiểm tra.

Hồi tháng 2/2018, một chiếc Boeing 777 có tuổi đời 26 năm, tương tự như chiếc gặp lỗi động cơ của United Airlines, thực hiện hành trình từ Mỹ đến Honolulu, Hawaii, cũng gặp lỗi động cơ sau khi nắp động cơ bị rơi khoảng 30 phút trước khi máy bay hạ cánh an toàn.

NTSB sau đó xác nhận nguyên nhân dẫn đến sự cố là do một cánh quạt động cơ bị gãy. Sau sự cố này, hãng sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney, thuộc tập đoàn công nghệ Raytheon, đã rà soát lại kết quả kiểm định trước đó đối với tất cả cánh quạt của động cơ PW4000. Đến tháng 9/2019, FAA đã ban hành chỉ thị yêu cầu kiểm tra các cánh quạt của động cơ trên.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Tokyo đưa tin, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) cũng vừa yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm dừng hoạt động các máy bay có trang bị động cơ PW4000.

MLIT cho biết một động cơ cùng loại này trên chuyến bay JAL 777 từ Naha tới Haneda cũng gặp vấn đề hôm hồi tháng 12 năm ngoái. Do vậy, MLIT đã ra lệnh kiểm tra khắt khe hơn đối với máy bay sử dụng loại động cơ này.

Trước đó cùng ngày, hai hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã dừng bay 32 chiếc máy bay sử dụng loại động cơ trên, trong đó JAL dừng bay 13 chiếc và ANA dừng bay 19 chiếc. Kết quả là một chuyến bay của JAL từ Naha đi Haneda đã bị hủy bỏ.

Ngày 20/2, máy bay Boeing 777-200  của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn, không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii) thì bị hỏng động cơ. Không có thông tin về người bị thương trên máy bay cũng như dưới mặt đất. Cảnh sát thành phố Broomfield (bang Colorado) đã công bố những bức ảnh chụp một số mảnh vỡ được cho là từ máy bay, trong đó có một bộ phận vỏ ngoài động cơ nằm rải rác bên ngoài một ngôi nhà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục