Mỹ: Hình thức mua trước trả sau tiềm ẩn nhiều nguy cơ

09:42' - 16/02/2021
BNEWS Trong số người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau, gần 40% đã quên thanh toán hơn một khoản chi tiêu, và 72% bị hạ điểm tín dụng.

Các dịch vụ mua trước trả sau (buy now, pay later) của các nhà cung cấp như Affirm Holdings Inc, Klarna, Afterpay Ltd và PayPal Holding Inc đã nở rộ trên các trang web bán lẻ trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Thế nhưng, sự dễ dàng và tiện lợi mà hình thức này đem lại cho người tiêu dùng đang khiến các nhà quản lý trên khắp thế giới lo ngại rằng người tiêu dùng có thể chi tiêu vượt khả năng chi trả của mình.

Theo một nghiên cứu của Credit Karma, trong số người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau, gần 40% đã quên thanh toán hơn một khoản chi tiêu, và 72% bị hạ điểm tín dụng.

Công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman ước tính các công ty cung cấp dịch vụ mua trước trả sau đã “bôi trơn” cho khối lượng giao dịch trị giá 20-25 tỷ USD ở Mỹ trong năm 2020. Dịch vụ này có nhiều hình thức. Nhiều công thu lợi nhuận chủ yếu từ việc thu phí người bán vào thời điểm bán hàng, trong khi các công ty khác thu lãi và phí trả chậm đối với người mua.

Các nhà cung cấp cho rằng dịch vụ của họ giúp người bán gia tăng doanh số còn người mua thì mua được món đồ họ cần, mà gây ra ít tổn thất tài chính hơn thẻ tín dụng vì những quy định đặt ra.

Tuy nhiên, các nhà quản lý ở Anh và Australia đang xem xét và thắt chặt quy định xung quanh ngành này. Nhiều nhà quản lý cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, được phân loại là các công ty công nghệ tài chính (fintech) cần phải chịu nhiều quy định nghiêm ngặt hơn như các ngân hàng.

Doanh thu của Affirm, công ty có trụ sở ở San Francisco, đã tăng 93% lên 509,5 triệu USD trong tài khóa kết thúc vào tháng Sáu. Affirm cho phép người mua chia nhỏ các đơn hàng theo các kỳ hạn từ sáu tuần đến bốn năm, với lãi suất từ 0-30%, và không tính phí trả chậm, nhưng nếu không thanh toán khoản vay, người tiêu dùng có thể bị hạ điểm tín dụng.

Còn tại công ty Afterpay của Australia, khách hàng sẽ bị từ chối dịch vụ sau khi họ không thanh toán một khoản chi tiêu. Afterpay cho biết 95% các giao dịch của công ty này trên toàn cầu được thanh toán đúng hạn và phí trả chậm đóng góp chưa đến 14% tổng thu nhập của công ty.

Được ra mắt trên khắp nước Mỹ hồi tháng Mười Một, dịch vụ “Pay in 4” của PayPal chia nhỏ các đơn hàng từ 30-600 USD thành bốn khoản thanh toán không lãi suất. Phí trả chậm có thể được áp dụng với các khoản vay chậm thanh toán, tùy thuộc vào bang định cư của khách hàng.

Phần lớn các khoản chi vay bởi công ty Klarna của Thụy Điển đều có giá trị thấp, kỳ hạn ngắn và miễn lãi suất, an toàn hơn cho người tiêu dùng so với thẻ tín dụng. Khách hàng có thể chậm trả một khoản vay mà không bị phạt. Phí trả chậm thay đổi theo quy định của mỗi bang, nhiều nhất là 21 USD.

Giới chuyên gia cho rằng các khoản vay nhỏ với kỳ hạn ngắn thực sự đem lại nhiều lợi ích, nhưng chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tiêu dùng có thể vay nhiều hơn khả năng chi trả của mình. Alan McIntyre, người đứng đầu mảng ngân hàng của công ty Accenture, cho biết một tín hiệu xấu từ hình thức mua trước trả sau là khoảng 40% người dùng dịch vụ này tìm đến chúng vì họ không thể tiếp cận tín dụng theo cách truyền thống, có thể là vì họ đã vượt quá hạn mức của mình, hoặc vì họ có lịch sử tín dụng không mấy tốt đẹp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục