Mỹ không kích Syria: Iran cảnh báo nguy cơ gia tăng chủ nghĩa cực đoan trong khu vực

18:27' - 08/04/2017
BNEWS Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8/4 cảnh báo cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria có nguy cơ làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria có nguy cơ làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu được phát sóng trên Đài truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Rouhani nêu rõ "hành động xâm lược của Mỹ đối với căn cứ không quân Shayrat sẽ làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan, khủng bố trong khu vực, tình trạng vô luật pháp, bất ổn toàn cầu và phải bị lên án".

Ông kêu gọi thế giới phản đối các chính sách như vậy, mà theo ông vốn chỉ mang lại "sự hủy diệt và nguy hiểm" cho khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập công bằng về cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học vào thị trấn Idlib do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc Syria hôm 4/4, đồng thời cho biết Tehran đang đề nghị thành lập một ủy ban điều tra sự thật quốc tế nhằm tìm ra số vũ khí hóa học này đến từ đâu.

Ông nhấn mạnh theo Liên hợp quốc (LHQ), Chính phủ Syria không sở hữu vũ khí hóa học, ám chỉ LHQ giám sát việc chính quyền Damascus phá hủy kho vũ khí hóa học theo thỏa thuận đạt được giữa Washington và Moskva năm 2013.

Trước đó, ngày 7/4, vài giờ trước khi Mỹ tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng các cáo buộc của phương Tây liên quan tới vũ khí hóa học là "giả mạo".

Theo ông, chúng giống như những tuyên bố về việc chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu "vũ khí hủy diệt hàng loạt", kéo theo việc Mỹ tiến hành xâm lược Iraq vào năm 2003, song sau đó cáo buộc trên được khẳng định là vô căn cứ.

Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không đồng ý với Tổng thống Donald Trump về lý do ra lệnh oanh kích Syria.

Theo đài truyền hình địa phương ABC13, phát biểu tại Houston, bà Hillary cho biết lý do mà ông Trump đưa ra để tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa mâu thuẫn với nỗ lực của ông trong việc hạn chế dòng người tị nạn từ Trung Đông vào Mỹ.

Theo bà, nước Mỹ "không thể một mặt nói bảo vệ trẻ em Syria, trong khi mặt khác lại đóng cửa đối với người tị nạn Syria".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ hy vọng Nhà Trắng cần đưa ra một chiến lược rộng hơn và phù hợp với các giá trị của Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Chính phủ Cuba cũng đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc tấn công đơn phương bằng tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Thứ trưởng Ngoại giao Rogelio Sierra Díaz khẳng định "đây là hành động sử dụng sức mạnh bất hợp pháp và là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế", tấn công một Nhà nước có chủ quyền, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, cản trở việc đạt một giải pháp thương lượng.

Ông chỉ trích các hành động chống lại Nhà nước Syria trước khi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học thực hiện một cuộc điều tra công bằng, khách quan, minh bạch và không có yếu tố chính trị trong trường hợp này; đồng thời cũng chia buồn trước những tổn thất về người, trong đó có cả các nạn nhân trẻ em, mà Syria gánh chịu trong hành động này cũng những hành vi bạo lực trước đó.

Tại Mỹ Latinh, ngoài Cuba, Bolivia và Venezuela lên án hành động tấn công đơn phương của Mỹ, Costa Rica phản đối việc sử dụng vũ lực, các nước Argentina, Chile, Colombia, Mexico, Paraguay, Peru và Uruguay kêu gọi tất cả các bên liên quan, gồm cả những tác nhân có ảnh hưởng tại khu vực, hành động một cách cẩn trọng hơn để tránh leo thang căng thẳng và tìm ra một giải pháp chính trị cho Syria, dưới sự bảo trợ của LHQ.

Chính phủ Brazil cũng bày tỏ quan ngại về sự leo thang quân sự tại Syria. Trong một tuyên bố, Chính phủ Brazil nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành điều tra toàn diện đối với cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học cũng như trừng trị những người chịu trách nhiệm.

Theo Chính phủ Brazil, giải pháp đối với cuộc xung đột ở Syria hiện nay đòi hỏi đối thoại hiệu quả và tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế. Chính phủ Brazil cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với các nỗ lực đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của LHQ cũng như dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ./.

>>>Mỹ bắn gần 70 quả tên lửa Tomahawk vào Syria

>>>LHQ chia rẽ về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục