Mỹ Latinh “đuối sức” trong cuộc chiến chống COVID-19

17:33' - 01/08/2020
BNEWS Mặc dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế liên Mỹ cảnh báo về khả năng cao trở thành ổ dịch COVID-19 mới trên thế giới, nhưng chính phủ không ít nước Mỹ Latinh vẫn lơ là, mất cảnh giác.

Mặc dù đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo về khả năng cao trở thành ổ dịch COVID-19 mới trên thế giới, nhưng có thể nói chính phủ không ít nước Mỹ Latinh vẫn lơ là, mất cảnh giác, trong đó phải kể tới Brazil, quốc gia lớn nhất khu vực.

Và giờ đây, khi cảnh báo trên trở thành hiện thực, Mỹ Latinh đang tỏ ra “đuối sức” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm này.

Đại dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe bùng phát muộn hơn các khu vực khác trên thế giới khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 26/2 tại Brazil, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh từng ngày và biến khu vực này trở thành nơi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoành hành mạnh nhất, với trên 4,7 triệu người mắc bệnh và hơn 350.000 người tử vong.

Giám đốc PAHO, Carissa Etienne, cảnh báo 186 triệu người (trong tổng dân số hơn 630 triệu của khu vực) có rủi ro cao mắc COVID-19.

Bất chấp việc phần lớn các nước Mỹ Latinh triển khai những biện pháp ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm ngăn chặn dịch bệnh như giới nghiêm, đóng cửa biên giới, áp đặt biện pháp cách ly xã hội, cấm toàn bộ các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa các trường học và các loại hình kinh doanh-dịch vụ phi thiết yếu của nền kinh tế, nhưng dịch tiếp tục lây lan mạnh và gần như mất kiểm soát.

Lý do dẫn tới tình trạng này là do một số chính phủ đã hạ thấp cấp độ nghiêm trọng của dịch, điển hình là Brazil và Mexico, cũng với đó là ý thức của người dân và chủ yếu là người nghèo phải “liều mạng” với dịch bệnh để mưu sinh.

Brazil và Mexico là 2 quốc gia có số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong cao nhất khu vực, theo thứ tự đứng thứ hai và thứ ba thế giới về số ca tử vong, cùng với đó là thứ hai và thứ sáu thế giới về số ca bệnh.

Việc dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Brazil và Mexico không nằm ngoài cảnh báo và dự đoán của các chuyên gia dịch tễ học.

Đặc điểm chung tại Brazil và Mexico là sự thiếu đồng nhất giữa chính quyền liên bang và địa phương trong chiến lược chống dịch, và chính phủ luôn hạ thấp cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Tại Brazil, mặc dù, bản thân cũng đã mắc bệnh, nhưng Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn không thay đổi quan điểm về COVID-19.

Ông Bolsonaro luôn đi ngược lại các biện pháp phòng dịch mà các bang áp dụng và kêu gọi người dân quay trở lại làm việc bất chấp dịch bệnh lây lan mạnh.

Còn Mexico, quốc gia không triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc ngoại trừ việc kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, đã từng bước mở cửa lại nền kinh tế từ ngày 1/6 bất chấp tình hình dịch đang trong giai đoạn đỉnh điểm.

Trong vòng 2 tháng từ thời điểm mở của lại nền kinh tế đến nay, số ca nhiễm mới và tử vong tại Mexico đã tăng gấp hơn 4 lần từ 93.000 ca bệnh tăng lên 424.637 ca và từ hơn 10.000 ca tử vong tăng lên 46.688 ca (tính đến ngày 1/8).

Các chuyên gia y tế và ngay cả Bộ Y tế Mexico đều thừa nhận con số mắc bệnh và tử vong do COVID-19 thực tế cao hơn nhiều so với con số thống kê.

Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm với những người có triệu chứng bệnh. Thống kê cho thấy gần 50% người tiến hành xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-Cov-2.

Những trường hợp dương tính, nhưng có biểu hiện bệnh nhẹ được cơ quan y tế cho tự cách ly tại nhà và như vậy rất khó để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Có lẽ, ở Mexico sẽ không có điều mà thế giới gọi là “làn sóng dịch thứ hai” khi mà giới chức nước này đã không đưa ra dự báo về thời điểm kết thúc của làn sóng dịch thứ nhất.

Ngay từ đầu, Chính phủ Mexico đã chủ quan, hạ thấp mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và điều này dẫn tới tình trạng mất kiểm soát.

Một phần nguyên nhân Chính phủ Mexico không áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch là do lo ngại nền kinh tế rơi vào suy thoái và ảnh hưởng tới người nghèo hiện chiếm gần 50% dân số.

Mexico là một trong những quốc gia có tỉ lệ bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo cao nhất thế giới. Hơn 10% số người giàu tại nước này nắm giữ tới 90% tài sản được tạo ra và 90% dân số chia nhau 10% tài sản còn lại.

Tuy nhiên, Chính phủ Mexico đã không lường hết được tác động của đại dịch. Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico Gerardo Esquivel dự báo đại dịch COVID-19 sẽ đẩy thêm 20 triệu người Mexico rơi vào cảnh nghèo đói, nâng tổng số người nghèo tại quốc gia này lên 70 triệu người, chiếm 56% tổng dân số, trong năm 2020.

Bên cạnh đó, GDP của Mexico được dự báo suy giảm từ 8,5%-10,5% trong năm nay và chỉ bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2022.

Quay lại tình hình chung, giống Mexico, Mỹ Latinh là một trong những khu vực có tình trạng bất bình đẳng và tỉ lệ người nghèo cao nhất thế giới. Hiện khu vực có khoảng 200 triệu người nghèo, chiếm 30,8% dân số, phần lớn làm việc trong lĩnh vực phi chính thức.

Và do vậy, việc giãn cách và cách ly bắt buộc đối với tầng lớp này gần như là bất khả thi khi họ buộc phải ra đường để tìm cách mưu sinh.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế yếu kém do thiếu sự quan tâm và đầu tư của chính phủ trong nhiều năm khiến khả năng chống chọi với đại dịch càng trở lên khó khăn.

Trước nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ và nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh đã và đang huy động mọi nguồn lực tài chính có thể cho cuộc chiến chống COVID-19.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã công bố một loạt gói tài chính trị giá hàng tỷ USD và kêu gọi sự hỗ trợ từ các thể chế tài chính đa phương nhằm tăng cường hệ thống tài chính công, hệ thống y tế, trợ giúp người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp trên đạt hiệu quả thấp trước diễn biến nhanh và phức tạp của COVID-19.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) và WHO, cuộc khủng hoảng COVID-19 có nguy cơ khiến khu vực Mỹ Latinh và Caribe thụt lùi một thập niên do đối mặt kinh tế giảm sút và nghèo đói gia tăng.

Tỷ lệ nghèo đói tại khu vực trong năm nay được dự báo sẽ tăng 7%, tương đương với 45 triệu người, so với năm ngoái. Số người thất nghiệp dự kiến tăng lên 44 triệu người, cao hơn 18 triệu người so với năm 2019.

Do tác động mạnh của dịch bệnh đến kinh tế, khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp trong khu vực dự kiến đóng cửa. Trong khi đó, GDP sẽ giảm tới 9,1%, khiến khu vực rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua và điều này sẽ càng khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng.

Có thể thấy Mỹ Latinh đang lâm vào bế tắc trong cuộc chiến chống COVID-19 khi các biện pháp đã và đang được triển khai, nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu với các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng và nhiều khả năng mất kiểm soát.

Tất cả chỉ còn mong chờ vaccine ngừa COVID-19 sớm được nghiên cứu thành công. Tuy nhiên, để khu vực nghèo như Mỹ Latinh có thể tiếp cận sớm với vaccine là cả một thách thức bởi nguồn lực kinh tế của các nước cũng đang rất eo hẹp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục