Mỹ: Nhiều quan chức Fed không nhất trí với các đề xuất cải cách ngân hàng

09:46' - 28/07/2023
BNEWS Tại một cuộc họp ngày 27/7, nhiều thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bày tỏ sự không đồng ý với những thay đổi được đề xuất đối với các quy định ngân hàng.
Các thay đổi này, do ông Michael Barr - Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed – đề xuất, bao gồm một loạt biện pháp, trong đó có việc tăng mức vốn bắt buộc đối với các ngân hàng lớn và vừa, và những thay đổi trong cách đo lường rủi ro. Ông Barr cho biết mục đích của những thay đổi này là nhằm tăng cường sức mạnh và sự ổn định của hệ thống ngân hàng bằng cách đưa ra các yêu cầu về vốn phù hợp hơn với mức độ rủi ro.

Nhưng hai thống đốc của Fed đã thể hiện sự phản đối công khai với những đề xuất trên, nhất là đề xuất nâng mức vốn bắt buộc thêm trung bình 16% đối với một số ngân hàng. Thống đốc Michelle Bowman lo ngại rằng đề xuất trên sẽ gia tăng những thách thức mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt, khiến các ngân hàng, khách hàng của họ và cả nền kinh tế phải gánh thêm chi phí thực sự mà không đi kèm những lợi ích tương xứng về mặt an toàn và ổn định tài chính.

 
Đồng quan điểm, Thống đốc Christopher Waller phát biểu tại cuộc họp: "Tôi không nghĩ các chi phí đó đáng để chịu khi chúng không đem lại lợi ích rõ ràng nào đối với sự ổn định của hệ thống tài chính”.

Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mỹ Rob Nichols cũng cho rằng các đề xuất trên là “không cần thiết và quá rộng”. Theo ông, thay vì chỉ đơn giản tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, thì những thay đổi này sẽ buộc các ngân hàng hoạt động tại Mỹ phải đáp ứng các mức vốn thậm chí còn cao hơn mà không có lý do chính đáng nào.

Các đề xuất mới nói trên được đưa ra sau cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng Ba tại Mỹ và châu Âu, bắt nguồn từ vụ phá sản bất ngờ của ngân hàng Silicon Valley Bank khi đối mặt với những rủi ro quá mức về lãi suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục