Mỹ: Quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị và phần mềm

15:30' - 21/10/2021
BNEWS Bộ Thương mại Mỹ ngày 20/10 đã công bố các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu một số thiết bị và phần mềm trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng gia tăng mạnh trên toàn thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các quy định mới nêu trên nhằm ngăn việc bán một số phần mềm hoặc thiết bị đối với một số nước, trừ khi được Bộ Thương mại Mỹ phê duyệt.

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ Mỹ phản đối việc sử dụng công nghệ sai mục đích. Những quy định mới sẽ giúp đảm bảo các công ty Mỹ không tiếp tay cho các hành vi sai trái.

Theo quy định mới, các công ty sẽ cần phải được cấp phép để bán hàng cho các chính phủ nước ngoài được cho là "gây quan ngại về an ninh quốc gia hoặc vũ khí hủy diệt" hoặc "đã bị cấm vận vũ khí”.

Trước đây, các công ty Mỹ cũng đã phải xin giấy phép của chính phủ liên bang khi bán hàng công nghệ mã hóa nhạy cảm hoặc hệ thống chặn thu thông tin liên lạc ở nước ngoài. Cùng với Israel, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc bán các sản phẩm an ninh mạng.

Sau khi xem xét các ý kiến công khai trong 90 ngày, cơ quan liên bang sẽ đưa ra quy định cuối cùng.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN), Bộ Tài chính Mỹ, ngày 15/10 công bố báo cáo cho thấy chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số tiền các nạn nhân phải trả liên quan đến các vụ tấn công tống tiền bằng mã độc (ransomware) đã lên tới 590 triệu USD.

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh số vụ tấn công mạng đang ngày một gia tăng, số tiền mà tin tặc "bỏ túi" trong năm 2021 có thể sẽ nhiều hơn tổng số 10 năm trước cộng lại.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, số tiền trên nhiều hơn 42% số tiền mà các thể chế tài chính đã trả cho tin tặc trong cả năm 2020 (khoảng 416 triệu USD) và số tiền phải trả thực tế có thể lên tới hàng tỷ USD./.

>>Mỹ kêu gọi các nước hợp tác chống lại các cuộc tấn công mạng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục