Mỹ thờ ơ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược

08:37' - 21/10/2017
BNEWS Ngày 20/10, đại diện Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva không phản đối việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), tuy nhiên Mỹ lại tỏ ra rất thờ ơ với vấn đề này.

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, phát biểu với báo giới, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulianov nhấn mạnh:

“Điều đơn giản nhất giúp tình hình an ninh hạt nhân đạt bước tiến tích cực là gia hạn START-3 thêm 5 năm. Khả năng này được thể hiện ngay trong văn bản thỏa thuận và chúng tôi không phản đối khả năng này".

Tuy nhiên, ông cho biết thêm việc nghiên cứu vấn đề một cách kỹ lưỡng cần đến một đối tác liên quan, trong khi "hiện Nga không có đối tác nào như vậy”.

START-3 được Nga và Mỹ ký vào năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 5/2/2011. Hiệp ước này quy định mỗi bên cần cắt giảm số đầu đạt hạt nhân, đồng thời phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần/năm. Tuy nhiên, tốc độ giải trừ vũ khí hạt nhân của hai nước này đã chậm lại trong những năm qua.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi ngày 19/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước Nga sẽ hướng tới giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân, song sẵn sàng phát triển các hệ thống vũ khí mới.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý một số quốc gia có vũ khí hạt nhân hiện cũng đang phát triển nhiều loại vũ khí công nghệ cao với sức hủy diệt không thua kém vũ khí hạt nhân.

Chính vì vậy, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ theo dõi thận trọng thực tế này và sẵn sàng phát triển các hệ thống vũ khí phi hạt nhân mới.

Tuyên bố của Tổng thống Nga không đề cập cụ thể quốc gia nào song hiện Nga và Mỹ được coi là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và đã ký các thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, tốc độ giải trừ vũ khí hạt nhân của hai nước này đã chậm lại trong những năm qua.

Từ khi hiệp ước START-3 được ký năm 2010 và có hiệu lực một năm sau đó, Nga và Mỹ hầu như chưa có nỗ lực nào đáng kể trong vấn đề này khi quan hệ giữa hai nước gia tăng căng thẳng./.

>>> Nga sẽ đáp trả nếu Mỹ cản trở hoạt động của tập đoàn truyền thông RT

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục