Mỹ và Phương Tây trừng phạt Nga: Lợi bất cập hại (Phần 1)

07:28' - 14/03/2019
BNEWS Trong khi một số nghị sĩ Mỹ đòi hỏi sự cứng rắn với Nga, Nhà Trắng nghiêng về giải pháp vừa phải, ôn hòa thì khả năng là các lệnh trừng phạt sắp tới của Mỹ đối với Nga sẽ ở khoảng giữa hai thái cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA/TTXVN

Mỹ khẳng định sẽ áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga trong vài tháng tới. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt Nga dù mức độ sẽ hạn chế hơn Mỹ.

Theo Stratfor, trang mạng chuyên phân tích địa chính trị thế giới có trụ sở tại Texas, Mỹ, dù như vậy Nga sẽ vẫn thoát khỏi ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt này bằng “chiến lược cách ly các lệnh trừng phạt” của mình. Tuy nhiên, nếu bị áp nhiều lệnh trừng phạt kéo dài, chắc chắn nền kinh tế nước Nga sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai.

Đã 5 năm trôi qua, những căng thẳng giữa Nga và phương Tây không có dấu hiệu giảm bớt. Hồi giữa tháng Hai, một nhóm nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng thuộc Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện đã đưa ra dự luật nhằm gia tăng trừng phạt Nga vì cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và có những hoạt động mờ ám ở Ukraine và Syria. Trong khi đó, nhiều tài liệu cũng cho thấy Mỹ và EU sắp thông qua một loạt lệnh trừng phạt mới đối với Nga do sự cố Nga và Ukraina xung đột ở biển Azov.

Những lệnh trừng phạt sắp tới được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã diễn ra 5 năm, kể từ khi Nga chính thức công nhận Crimea là một phần của Nga. Từ năm 2014, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã dần mở rộng từ lúc chỉ tập trung vào cuộc xung đột của Nga với Ukraine cho tới nay đã bao gồm cả một số vấn đề khác, như Moskva can thiệp vào chính trị Mỹ, can thiệp vào kiểm soát vũ khí ở châu Âu, cũng như vấn đề Triều Tiên.

Trong khi EU và Mỹ khá nhất trí trong việc áp dụng các lệnh trừng phạt để gây ảnh hưởng hoặc trừng phạt Nga, việc thực thi các lệnh trừng phạt trong thực tế lại phụ thuộc khá nhiều các nhân tố khác nữa. Về phía EU, lệnh trừng phạt phải được tất cả 28 thành viên bỏ phiếu. 

Các nước như Ba Lan hay các nước vùng Baltic ủng hộ quyết liệt việc trừng phạt Nga, trong khi Hungary và Hy Lạp nghiêng về các giải pháp ôn hòa và thực tế. Hiện nay, các nước châu Âu đã bỏ phiếu thống nhất duy trì áp lệnh trừng phạt với Nga, nhưng mức độ hạn chế hơn những gì phía Mỹ mong muốn áp đặt do mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa EU và Nga, nhất là trong vấn đề năng lượng.

Còn đối với Mỹ Quốc hội đóng vai trò chính đưa ra các luật trừng phạt và Bộ Tài chính đóng vai trò cụ thể hóa và thực thi những luật trừng phạt đó. Một phần quan trọng trong các luật trừng phạt này là Đạo luật Chống Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) mà Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017 giữa lúc nhiều quan ngại cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga để cải thiện quan hệ với Moskva. 

Hạt nhân của Đạo luật CAATSA là điều khoản chặn đứng việc Tổng thống Trump có thể chấm dứt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đang áp dụng với Nga nếu không được Quốc hội phê chuẩn.

Từ khi đạo luật CAATSA được thông qua, Mỹ đã áp dụng một số lệnh trừng phạt với Nga. Vào tháng 1/2018, Bộ Tài chính Mỹ đệ trình cái gọi là “Báo cáo về Kremlin”  lên Quốc hội, trong đó coi các quan chức chủ chốt phía Nga, các lãnh đạo chính trị và các công ty của họ là mục tiêu tiềm năng để áp các lệnh trừng phạt.

Ba tháng sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố những lệnh trừng phạt hà khắc nhất cho tới nay đối với một loạt các cá nhân và tổ chức của Nga gồm 17 quan chức cao cấp của Chính phủ Nga, 7 lãnh đạo chính trị và 12 công ty do những lãnh đạo này làm chủ hoặc kiểm soát, bao gồm cả Rusal, công ty nhôm lớn nhất của Nga và lớn thứ hai thế giới.

Sau đó cũng vào năm 2018 Quốc hội Mỹ lại đưa ra tiếp hai lệnh trừng phạt khác: Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Sinh học và Hóa học và Xóa bỏ Chiến tranh để đáp trả vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và Đạo luật Bảo vệ An ninh nước Mỹ khỏi những hành động công kích của Kremlin 2018 (DASKA) - một dự luật do hai Thượng nghị sĩ Lindsay Graham và Robert Menendez đề xuất vì cho là Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine và Syria. 

Hai lệnh trừng phạt mới bao gồm những biện pháp trừng phạt bao quát  hơn, ảnh hưởng tới nhiều thành phần kinh tế, cấm các ngân hàng lớn của Nga giao dịch bằng đồng USD và cấm phát hành nợ chính phủ Nga bằng đồng USD. Điều đó cho thấy Mỹ rất muốn Nga phải gánh chịu đòn kinh tế.

Nhưng những lệnh trừng phạt này đến nay dường như tạo được rất ít ảnh hưởng đối với Nga. Chính quyền của ông Trump chỉ thực hiện giai đoạn đầu của các lệnh trừng phạt liên quan vụ đầu độc ông Skripal, cấm xuất các mặt hàng nhạy cảm, liên quan an ninh quốc gia cho Nga còn Đạo luật Bảo vệ An ninh nước Mỹ khỏi những hành động công kích của Kremlin thì cuối cùng không được Quốc hội thông qua. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với công ty Rusal và công ty mẹ EN+ vào tháng Một vừa qua sau nhiều tháng thương thảo với chủ tập đoàn là Oleg Deripaska và tham vấn Quốc hội.

Hóa ra những lệnh trừng phạt đối với công ty Rusal cũng ảnh hưởng đến chính châu Âu và Mỹ vì khiến giá nhôm toàn cầu bị vọt lên, điều đó cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng có những giới hạn nhất định.

          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục