Năm 2018, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tăng mạnh

17:33' - 03/01/2019
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới là 2.200 doanh nghiệp, tăng 12,3% so với năm 2017.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Như vậy, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay là 9.235 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay. 

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân là 17,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn trung bình của cả nước là 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nông lâm thủy sản là một trong 2 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco...

Cùng với tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước nâng cao năng lực.

Chỉ tính riêng năm 2018, đã có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông , lâm, thủy sản.

Về phát triển kinh tế hợp tác, năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã, phát triển hợp tác xã và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.

Số hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng lên và dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Trong đó, số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới sau 6 năm thực hiện Luật Hợp tác xã là 5.816 hợp tác xã, riêng năm 2018 là 1.935 hợp tác xã.

Đến hết năm 2018, cả nước đã có 39 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 13.400 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 14,6% so với năm 2017; trong đó, có 55% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả (năm 2017 là 33%).

Tỷ lệ hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 20,5%.

Cả nước có 35.500 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 1.500 trang trại so với năm 2017; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.

Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên phổ biến với 6.800 mô hình trên diện tích khoảng 1 triệu ha và nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi, thủy sản được tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, khẳng định hướng đi đúng đắn của nền sản xuất hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục