Năm 2020: EU khép lại một năm bộn bề khó khăn

07:08' - 29/12/2020
BNEWS Năm 2020 đánh dấu một năm đầy khó khăn và nhọc nhằn đối với Liên minh châu Âu (EU) .

Năm 2020 đánh dấu một năm đầy khó khăn và nhọc nhằn đối với Liên minh châu Âu (EU) khi các nước trong khu vực phải căng mình đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa từng có tiền lệ với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội cũng như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Cùng nhìn lại năm 2020 của EU với nhiều sự kiện nổi bật.

“Cơn sóng thần” COVID-19       

Đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 khiến châu Âu đảo lộn và phải gồng mình để ứng phó. Dịch bệnh đã khiến châu Âu bị tổn thất lớn về nhân mạng, đồng thời tác động tới mọi mặt đời sống khiến nền kinh tế nhiều nước EU chao đảo và suy thoái nghiêm trọng.

Các ước tính của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý 2/2020 bị sụt giảm ở mức kỷ lục 12,1% so với quý trước. GDP của toàn EU sụt giảm 11,9%.

Đại dịch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp không khói của “lục địa già” trong mùa Hè vừa qua vì doanh thu từ du lịch chiếm phần đáng kể trong GDP của châu Âu. Tình trạng “đóng băng” trên thị trường du lịch do dịch COVID-19 tác động tới hàng triệu việc làm; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có bị đóng cửa và phá sản, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải chật vật để tồn tại; nhiều dịch vụ liên quan cũng không thể đứng vững… 

Sau khi kiềm chế được đà lây lan của đợt dịch đầu tiên, để khôi phục kinh tế, các nước châu Âu đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tuy nhiên điều này đã khiến châu Âu phải đối mặt với "mùa Đông COVID-19" khắc nghiệt.

Làn sóng dịch thứ hai với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn làn sóng đầu tiên ở một loạt các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp CH Séc, Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Bulgaria, Hy Lạp… đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế khu vực.

Ủy ban châu Âu (EC) nhận định làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 đã làm chậm lại đà phục hồi. EC dự báo GDP của toàn EU sẽ ghi nhận “các mức suy thoái kinh tế lịch sử” trong năm 2020 ở mức giảm 8,3% trong khi kinh tế Eurozone sẽ giảm 8,7%.

Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch với nền kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2020 diễn ra vào tháng 11 đã hoàn thành các mục tiêu lớn đặt ra sau hàng tháng thương lượng căng thẳng, đó là ngân sách dài hạn và gói phục hồi kinh tế hậu đại dịch với tổng trị giá hơn 1.800 tỷ euro.

Khi các nước châu Âu vẫn chưa thể khống chế được làn sóng dịch mới trong mùa Đông, thì trong những ngày cuối năm biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2  được phát hiện tại Anh đã chất thêm gánh nặng cho EU.

Virus biến thể mới đã xuất hiện ở một số nước EU như Đức, Đan Mạch, Bỉ, Italy, Hà Lan, Czech, Bồ Đào Nha, đòi hỏi châu Âu cần phải hành động thống nhất và quyết liệt hơn trước sự biến đổi phức tạp và khó lường của virus SARS-CoV-2.

Mối đe dọa khủng bố vẫn hiện hữu

Dù đã đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19, trong những tháng cuối năm 2020 châu Âu đã hứng chịu hai vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong tại thủ đô Vienna của Áo và ở thành phố Nice miền Nam nước Pháp cũng như tại ngoại ô thủ đô Paris do phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thực hiện, khiến dư luận và giới chức châu Âu thêm lo ngại về vấn đề an ninh.

Các cuộc tấn công ở châu Âu là hồi chuông cảnh báo rằng chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa đang hiện hữu tại “Lục địa già”.

Nhằm tăng cường khả năng ứng phó của EU trước các mối đe dọa khủng bố, giữa tháng 12 EC đã đề xuất kế hoạch chống khủng bố mới bao gồm mở rộng nhiệm vụ của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), củng cố các biện pháp kiểm soát biên giới bên ngoài trong chiến lược chống khủng bố rộng lớn hơn của khối, cải thiện an ninh ở các khu vực công cộng và ngăn chặn sự lan truyền của các tư tưởng cực đoan trên internet.   

Đại tu hệ thống chính sách tị nạn vốn gây chia rẽ

5 năm sau cuộc khủng hoảng người di cư, ngày 30-9 Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố “Hiệp ước mới về di cư và cư trú” nhằm chia sẻ trách nhiệm của 27 nước thành viên đối với người tị nạn, qua đó tạo ra một “khởi đầu mới” trong cuộc đại tu hệ thống chính sách tị nạn vốn gây chia rẽ khối này.

“Hiệp ước mới về di cư và cư trú” sẽ giúp EU hiệu quả hơn trong việc trục xuất người nhập cư trái phép, là cơ hội để châu Âu chứng tỏ rằng họ có thể duy trì quyền cơ bản đối với người tị nạn. Nền tảng mới này sẽ đóng vai trò như một dạng "hệ thống cảnh báo sớm" nhằm xác định thời điểm cần triển khai các biện pháp bổ sung để giải quyết vấn đề di cư.    

Đối tác đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu

Sau một đêm trắng đàm phán, các lãnh đạo EU cũng nhất trí được mục tiêu mới về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2020. Để đạt mức độ trung hòa CO2 vào năm 2050 như đã cam kết vào tháng 12/2019, lãnh đạo 27 nước đã quyết định tăng cường nỗ lực giảm lượng khí thải xuống dưới 55% so với mức năm 1990, chứ không phải là 40% như mục tiêu từ trước đến nay.

Đối với các quốc gia có nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than, trong đó nổi bật nhất là Ba Lan, mục tiêu này là không thể đạt được nếu thiếu khoản bù đắp tài chính. Do đó, Vacsava đã dẫn đầu nhóm phản đối.

Nhưng các nước khác cho rằng Ba Lan và những nước đồng minh đã được hưởng lợi sau thỏa thuận vào tháng 12/2019. Khi đó, vì mục đích này, EU  đã tạo ra một quỹ "chuyển đổi phù hợp" trị giá 17,5 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 - và do vậy EU không cần phải làm gì thêm.

Với thỏa thuận này, EU sẽ trở thành đối tác đầu tiên có lượng phát thải lớn nhất chính thức đưa ra mục tiêu sửa đổi cao hơn so với yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tự hào khẳng định châu Âu là đối tác đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Hóa giải phần nào căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Đông Địa Trung Hải

Trong năm 2020, căng thẳng gia tăng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Ankara tiến hành thăm dò khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, trong các vùng biển mà Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus, hai thành viên của EU, tuyên bố có chủ quyền. Dù các nhà lãnh đạo EU phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giảm leo thang và từ bỏ các hành động đơn phương.

Tuy nhiên căng thẳng giữa hai bên phần nào được hóa giải khi EU không đưa ra biện pháp trừng phạt mà đổi lại còn đưa ra nhiều đề nghị ưu đãi với Thổ Nhĩ Kỳ, như thảo luận về việc mở rộng liên minh thuế quan với EU và tạo điều kiện cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia mà EU mong muốn một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, thông qua trung gian là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng đã đạt được thỏa thuận giảm leo thang và tránh xung đột trên biển và trên không. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người môi giới quan trọng để Ankara và Athens đi đến thỏa thuận, không muốn “hắt nước lạnh” vào thỏa thuận vừa ráo mực này.

Với nhiều nước EU, trong đó có Đức, quốc gia hiện là Chủ tịch luân phiên EU, gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ là điều không hay, bởi Ankara không chỉ rất quan trọng về mặt địa-chính trị mà nước này còn nắm trong tay con bài người di cư, có thể “xả lũ” dòng người di cư vào châu Âu bất cứ lúc nào.

ASEAN-EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược

Quan hệ lâu năm giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã bước sang một trang mới gắn kết và thực chất hơn với việc hai bên nâng cấp quan hệ từ đối tác đối thoại trở thành đối tác chiến lược tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao trực tuyến ASEAN-EU diễn ra ngày 1/12.  

Có thể nói sự kiện ASEAN và EU nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược là một bước tiến quan trọng, chứng tỏ mối quan hệ đối tác giữa hai bên đang phát triển năng động và toàn diện trên mọi mặt. Việc ASEAN và EU cùng nhau nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác gắn kết và sâu sắc hơn sẽ giúp hai bên tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh hiện có để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi cũng như thể hiện vai trò đi đầu trong những nỗ lực ứng phó với những thách thức toàn cầu.

* Anh và EU đạt thỏa thuận lịch sử xác định quan hệ thương mại hậu Brexit

Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24/12, Anh và EU đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc ngày 31/12/2020.

Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “chia tay” trong hỗn loạn, đảm bảo dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.

Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục