Năm 2025, 80% doanh nghiệp Bến Tre có gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT

07:37' - 06/11/2020
BNEWS Bến Tre đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, rộng rãi trong doanh nghiệp và trong cộng đồng xã hội.

Sở Công Thương Bến Tre phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa tổ chức hội nghị “Sơ kết phát triển Thương mại điện tử tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025”.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng, thương mại điện tử tại Bến Tre bước đầu có những kết quả thuận lợi.

Các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi tư duy trong kinh doanh, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng qua các sàn giao dịch điện tử, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp.

Tận dụng lợi thế này, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đề nghị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp chung sức đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương, ngành chức năng tỉnh tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, chỉ số thương mại điện tử năm 2020 của Bến Tre đứng thứ 15/55 so với các tỉnh, thành sử dụng thương mại điện tử.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh.

Giai đoạn 2016-2020, Bến Tre đã hỗ trợ 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website thương mại điện tử; hỗ trợ trên 50 doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử như Lazada, Alibaba, Amazon…; tham gia cổng thương mại điện tử quốc gia ECVN; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre...

Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ và giải pháp mang tính chiến lược như đổi mới tư duy, nhận thức từng cán bộ, công chức, doanh nghiệp,... chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, phát triển chính quyền số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xã hội số, phát triển hạ tầng số.

Đáng chú ý, nhiệm vụ chuyển đổi số nền kinh tế đã đề ra giải pháp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn thương mại điện tử, hiện đại hóa các dịch vụ chuyển phát, hoàn chỉnh các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, với tiềm năng, lợi thế trong sản xuất chế biến các ngành nông thủy sản, thương mại điện tử sẽ là công cụ xúc tiến thương mại đắc lực, hiệu quả, thiết thực và nhanh nhất giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước; tiếp cận nhiều cơ hội giao thương, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường bền vững.

Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho hay, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, rộng rãi trong doanh nghiệp và trong cộng đồng xã hội; thu hẹp khoảng cách giữa Bến Tre và các địa phương phát triển mạnh về thương mại điện tử.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 80% doanh nghiệp tại Bến Tre tham gia, có gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; 80% website thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong tỉnh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Theo ông Châu Văn Bình, để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bến Tre triển khai xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong xây dựng chuỗi giá trị các nông sản tỉnh Bến Tre.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản, chú trọng các sản phẩm đặc sản của địa phương…

Đồng thời, xây dựng và vận hành hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử phù hợp theo từng đơn vị; trong đó, chú trọng đến quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc trên môi trường mạng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục