Nắm bắt tiêu chuẩn để tăng nguồn thu từ xuất khẩu sang thị trường Halal

18:33' - 22/04/2025
BNEWS Việc nắm bắt rõ các tiêu chuẩn của thị trường Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tăng nguồn thu đáng kể trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng.
Trước bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hoá xuất khẩu, thị trường Halal với quy mô khổng lồ và nhu cầu ngày càng tăng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần hiểu rõ tiêu chuẩn và quy định của người Hồi giáo, nhất là tiêu chuẩn Halal. Bởi, việc thích ứng quy định mới của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo các chuyên gia thương mại, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số, mức chi tiêu tiêu dùng và sự đa dạng trong lĩnh vực kinh tế.

 
Với xu hướng tăng trưởng ổn định, thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho các quốc gia đang phát triển; trong đó, có Việt Nam. Đặc biệt, nông sản và thực phẩm chế biến được xem là thế mạnh của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng Halal. Dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu có thể đạt tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Báo cáo Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu năm 2024 của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research cho thấy, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% trong giai đoạn 2024-2031.Đáng lưu ý, nhu cầu về thực phẩm Halal không chỉ giới hạn trong các quốc gia Hồi giáo mà còn mở rộng ra thị trường khác như Trung Quốc, nơi có cộng đồng Hồi giáo đông đảo với dân số ước tính từ 21 đến 23 triệu người và dự kiến đạt 30 triệu vào năm 2030.

Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal. Hiện nay, sản phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm nông sản và nguyên liệu thô nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng nhận Halal cho phép tiếp cận thị trường rộng lớn của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Đặc biệt, tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Cùng đó là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết; trong đó, nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…

Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Halal doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chứng nhận thực phẩm Halal mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái Halal hoàn chỉnh, trong khi nhiều thị trường khác như Brazil, Singapore và Indonesia đã có vai trò lớn trong cung ứng và chiếm thị phần với kinh nghiệm và lợi thế lâu năm.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một vài đối tác lớn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đóng vai trò trung tâm với nhiều sáng kiến xúc tiến thương mại hướng tới thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu – những khu vực có đông dân số Hồi giáo và tiềm năng tiêu dùng lớn.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), ngoài các nhóm sản phẩm truyền thống như nông sản, thủy sản hay thực phẩm chế biến, hiện nay nhiều nhóm sản phẩm mới của Việt Nam đang nổi lên với tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ. Thế nhưng, để phát triển bền vững tại thị trường Halal, cần có một chiến lược tổng thể từ thể chế, chính sách, chứng nhận, đào tạo doanh nghiệp đến hệ thống logistics, truyền thông và tiếp cận thị trường.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, để giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng, khai thác tiềm năng đối với ngành hàng Halal tại Philippines, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Philippines đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đưa đoàn doanh nghiệp hai nước sang khảo sát lẫn nhau để tìm hiểu thị trường.

Gần đây nhất, Thương vụ đang nỗ lực tuyên tuyền, kêu gọi nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam tham gia "Hội chợ các sản phẩm Halal Philippines - Halal Expo Philippines" năm 2025 được tổ chức tại Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center), Manila, Philippines vào từ ngày 13 - 15/11/2025 tới đâynhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp không chỉ tiếp cận với thị trường Halal Philippines mà còn với toàn cầu.

Với hơn 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu, Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi thị trường Halal ngày càng rộng cửa. Bên cạnh doanh thu tăng trưởng gấp nhiều lần sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường, nhãn hiệu Alpha của Vinamilk đã trở nên quen thuộc, xuất hiện phổ biến không chỉ Afghanistan, thị trường Halal đang chiếm gần 80% doanh số xuất khẩu của Vinamilk.

Ông Võ Trung Hiếu – Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk chia sẻ, doanh nghiệp đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng sản lượng từ 5-10% cho các thị trường truyền thống. Đồng thời, nghiên cứu sản phẩm phù hợp để mở rộng các thị trường lớn như Malaysia, Indonesia… hướng đến phục vụ cộng đồng người Hồi giáo ở khu vực này.

Đặc biệt, Vinamilk quan niệm, logo Halal gắn trên sản phẩm không chỉ là một chứng nhận, mà còn là cam kết của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Việc này bao gồm nhiều yếu tố phía sau, từ tìm kiếm sản phẩm và hương vị phù hợp, thực hành sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn Halal đến các chương trình hậu mãi, thiết kế bao bì… phù hợp với đặc thù thị trường. Ngoài ra, việc tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, giao lưu kết nối… cũng là kênh hiệu quả để mở rộng thị trường xuất khẩu; không riêng với sản phẩm Halal.

Tương tự, Ottogi Việt Nam đã tái cấu trúc dây chuyền, tìm kiếm nguyên liệu thay thế, vượt qua nhiều kiểm định để đạt chứng nhận MUI Halal. Với kết quả này, Ottogi Việt Nam là công ty sản xuất mì đầu tiên đạt chứng nhận MUI Halal tại Việt Nam, đồng thời, tiên phong đưa mì gói từ Việt Nam tiếp cận thị trường Hồi giáo.

"Với chứng nhận này, Ottogi khẳng định cam kết nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo minh bạch trong sản xuất và hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường toàn cầu", đại diện Ottogi Việt Nam bày tỏ.

Hiện tại, sản phẩm Halal của Ottogi chỉ dành cho xuất khẩu, nhưng giá bán của các sản phẩm đạt chứng nhận MUI Halal tương đương như các sản phẩm khác. Điều này cho thấy Ottogi đã tối ưu hóa chi phí để đảm bảo khách hàng không phải chịu sự chênh lệch giá do chứng nhận Halal dù nguyên liệu khó tìm kiếm và giá thành thường cao hơn.

Không chỉ đơn thuần là chứng nhận, việc đạt MUI Halal nằm trong chiến lược dài hạn của Ottogi nhằm mở rộng thị trường toàn cầu. Nhà máy tại Việt Nam được xây dựng như một trung tâm sản xuất chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm cho thị trường Đông Nam Á và Trung Đông.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào các thị trường Halal, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến thương mại, cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, quy định và yêu cầu tiêu chuẩn Halal tại quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn như Indonesia, Malaysia, Trung Đông và các nước khu vực châu Á, châu Phi. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng tổ chức xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và kết nối với đối tác tiềm năng từ thị trường Halal.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc tham gia các sự kiện này không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mà còn tạo ra cơ hội để đàm phán, ký kết hợp đồng và mở rộng mạng lưới phân phối quốc tế. Hơn nữa, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận Halal cho mặt hàng xuất khẩu được coi là yếu tố quyết định giúp Việt Nam gia tăng sự hiện diện và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các đề án và kế hoạch hành động để tạo ra môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ tại thị trường Halal trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục